Saturday, August 8, 2015

Nhật Bản. Đại Tượng Phật. Daibutsu. SVĐG





Nhật Bản. Đại Tượng Phật

Sóng Việt Đàm Giang sưu tầm và biên soạn

Những tour du lịch Nhật Bản thường đưa du khách đi thăm một số tượng Phật lớn nổi tiếng. Những tượng Phật Daibutsu này là niềm hãnh diện của người Nhật. Bài viết ngắn này thu gọn trong ba tượng Phật tại Ushiku, Kamakura, và Nara.

 Đại Tượng Phật Ushiku 





Ushiku Daibutsu (Tượng phật Di Đà) tọa lạc tại thành phố Ushiku, thuộc Ibaraki, Nhật Bản là một trong những ngôi tượng Phật cao nhất thế giới vào thời điểm này. Công trình chính thức được hoàn thành vào năm 1995 và được xem như là một trong những địa điểm du lịch hướng về tâm linh, và tôn giáo tín ngưỡng.


Đại tượng Phật Di Đà Ushiku Daibutsu:  chiều cao: 120m, kể cả bệ 10m, đài sen 10m, trọng lượng cỡ 4000 tấn, độ vươn của tay trái:18.0m, chiều cao của đầu 20m, chiều dài của mắt 2.5m, chiều dài ngang của miệng 4m, chiều dài của mũi 1.2m, chiều dài của tai 10m, chiều dài ngón tay trỏ 7m.

 Đại tượng Phật Ushiku  được ghép từ  6000 phiến đồng thiếc (thanh đồng) có độ bền cao. Hiện nay tượng còn mới nên còn mang mầu xám nhưng với thời gian tượng sẽ có màu xanh đồng như những tượng đồng cổ khác.Trong lòng bức tượng được trang trí rất tân tiến có thang máy  từ mặt đất lên đến độ cao 85 mét. Khi bước vào trong lòng tượng phật ở  tầng một chúng ta sẽ chỉ thấy  ánh sáng rất mờ ảo qua một vệt sáng chiếu từ trên trần với nhiều vệt khói nhang màu sắc cộng thêm âm thanh nghiêm trang. Cấu trúc của tầng một chủ đề “Thế giới ánh sáng”,  là tạo không gian tạo cảnh quan “thế giới tịnh” của A Di Đà Như Lai (Ajidanyorai). Trên tầng hai tên là “Tri Ân Báo Đức Thế Giới”, nặng phần nghiên cứu.  Tiếp lên tầng ba, là “miền cực lạc” với thế giới đài hoa sen (Cực Lạc Tịnh Thổ, Kyokuraku Jodo) trong cõi phật với 3000 tượng Phật thếp vàng. Và ở tầng bốn là không gian “Linh Ưng Sơn”, chúng ta có thể nhìn quang cảnh xung quanh vùng tượng như vườn hoa, công viên qua khung cửa sổ nằm ở ngực tượng Phật.

 Tầng1. Phòng giữa mang tên Thế giới ánh sáng (Infinite Light and Infinite Life)
 

Tầng 2:  Thế giới của Đền ơn báo đức  (World of Gratitude and Thanksfulness)


 Tầng 3: Thế giới đài hoa sen (World of the Lotus Sanctuary)

 Tầng 4: Phòng của núi Linh Ưng (Room of Mt. Grdhrakuta) nhìn xuống vườn hoa



Đại tượng Phật Kamakura.

 Đại tượng Phật Kamakura (Kamakura Daibutsu) là pho tượng Phật Di Đà trong tư thế ngồi, cao hơn 12 mét, nặng hơn 100 tấn. Đây là pho tượng Phật bằng đồng lớn thứ hai tại Nhật Bản, và là một pho tượng cổ, được xây dựng hoàn tất vào năm 1252. Pho tượng tọa lạc trong khuôn viên của tu viện/chùa Kōtoku (Kotokhuin -Cao Đức thuộc trường phái Jodo Shu Sect/Tịnh Phổ Tông), tại thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa (tỉnh phía nam của Tokyo), Nhật Bản. Vào năm 1498, một đợt sóng thần mạnh đã cuốn trôi những công trình kiến trúc của ngôi chùa, chỉ còn trơ trọi nền móng và pho tượng Phật. Kể từ đó đến nay, suốt hơn 500 năm, pho tượng Phật bằng đồng ấy vẫn tồn tại trong nắng gió, tuyết sương. Vào năm 1960-1961, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành trùng tu pho tượng nhằm làm vững phần cổ và giúp cho thân tượng có thể chuyện động tự do trên nền đá, để tránh bị sụp đổ khi xảy ra động đất.  Kamakura Đại Phật được xem là một trong những quốc bảo của Nhật Bản.

 Bảng di tích viết biên gắn trong lòng tượng Phật





 Đông Đại Tự tại Nara

Tōdai-ji, tỉnh Nara (“Đông Đại Tự” – 東大寺, ), một quần thể chùa Phật, được xây dựng vào thế kỷ thứ 8, từ năm 743 và hoàn thành năm 751, trong một vùng chia thành 64 khu thuộc phần phía Đông của Nara. Đây chính là thời điểm ảnh hưởng của Phật giáo đang ở đỉnh cao, giữ vai trò quốc đạo. Chùa chính trở thành một trong những ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng bậc nhất của Nhật Bản


Todaiji đã bị huỷ hoại nhiều do chiến tranh năm 1180 và 1567 và được xây dựng lại 2 lần vào các năm 1183, và 1692. Trong hai thời kỳ Meji (1868-1922) và Taisho (1912-1926). Todaiji được nhiều lần tu bổ lớn. Ngày này, tuy đã thu nhỏ chỉ còn bằng 2/3 so với nguyên thủy. Todaji vẫn mang nhiều ấn tượng qua kích thước lớn cùng nghệ thuật điêu khắc chạm tinh vi cùng nhiều hiện vật quý hiếm. Kỹ thuật xây dựng ngôi đại điện thật đặc biệt là gặp khi trời ẩm thì những đòn tai gỗ được giãn nỡ để che kín hết những khe hở tránh khí hậu ẩm ướt từ bên ngoài tràn vào; trái lại, khi trời khô ráo gỗ của những cây đòn tay co lại tạo thành những khe trống để cho không khí lưu thông. Chính nhờ đó mà suốt mười một thế kỷ qua, màn trướng, những vật liệu bằng giấy, bằng tơ lụa trong đại điện đều được bảo tồn khá nguyên vẹn cho tới ngày nay.

 Chùa  Đông Đại tự, một chùa của Hoa Nghiêm Tông thuộc phật giáo Nhật Bản, đuợc coi như là ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới, rộng 50mét, dài 57mét và cao 48mét. 


 Cửa chùa Nandaimon (Nam Đại Môn) của Todai-ji (Đông Đại Tự) được xây dựng lại vào năm 1199, gồm 18 cây cột gỗ cao hơn 20 mét với đường kính hơn 1m chống đỡ. Cổng chùa xây hai tầng trông giống như một bàn thờ.

                                                   Cổng đi vào công viên trước chùa

  

 Đông Đại Tự

Trong chùa có pho tượng Đại Phật ngồi, cao 14,98m mặt dài 5,33m, mắt 1,02m, mũi cao 0,5m tai dài 2,54m, nặng 550 tấn. Tượng Phật ngồi trên một toà sen có chu vi 21 mét và có 56 lớp hoa sen chồng chất lên nhau, mỗi tai hoa cao 3 mét và tất cả đều làm bằng đồng.


Theo tài liệu cổ, tượng gồm 40 phần ghép, đúc từ 443 tấn đồng, 7,560 kg sáp ong tinh khiết (để hàn), 440 kg vàng ròng và 198 kg thủy ngân. Tượng Phật có bộ tóc trông tựa như những vòng xoắn ốc, bao gồm 966 hình cầu. Phía sau đầu Đức Phật có vòng hào quang bao quanh phía trên đầu tượng làm bằng gỗ mạ vàng. Trong vòng hào quang hiện lên 16 hóa thân của Đức Phật. Vòng hào quang được đặt thêm vào thế kỷ 17.

 Sử chép lại rằng: “Năm 743 thời nhóm lửa khởi công và qua tám đời đồ đồng, sang đến năm 752, tượng mới hoàn thành. Lúc đầu người ta tính đắp một lần cốt nhưng đã không thành nên về sau phải đúc rời từng mảnh rồi mới hàn lại ”. Để thếp vàng toàn thân pho tượng, người ta đã phải dùng đến 400 ký vàng. Coi như là một kỳ công của người Nhật ở vào thế kỷ thứ 8 đã xây dựng được ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới.

Trong chùa cũng có tượng gỗ hai vị Hộ pháp là Koumokuten và Tamonten.

 Tượng gỗ Koumokuten cầm trong tay một chiếc bút lông và một cuộn giấy, thể hiện tượng trưng của một bản sao kinh Phật. (hình1)

Tượng gỗ Tamonten (Đa văn thiên) một tay cầm một chiếc giáo và một tay cầm một cái chùa nhỏ tượng trưng cho bảo vật của chùa. Tượng Tamonten (có nghĩa là nghe giảng) thường thấy đặt ở những điện có Đức Phật thuyết pháp ở Nhật.(hình 2)


Phía phải sau lưng Đức Phật có một cây cột bên trên mặt đất có một lỗ thủng. Tương truyền nếu ai chui qua được lỗ thủng đó thì khi chết sẽ được lên thiên đàng. Hiện nay trẻ em và ngay cả người lớn cũng tìm cách chui qua.


Ngay phía ngoài cửa chùa bên tay phải có Tượng Binzuru (Pindola) ngồi theo vị trí tòa sen; theo truyền thuyết Phật  giáo Nhật Bản, Pindola là 1 trong 16 vị A La Hán, đệ tử của Đức Phật, đã được cho là có năng lực huyền bí, có khả năng chữa trị lành bệnh. Người Nhật tin rằng khi chà tay vào một phần thân của hình tượng Binzuru và sau đó chà vào phần cơ thể tương ứng của mình, thì nơi đó sẽ được chữa lành. Tượng Binzuru (Pindola Bharadvaja) làm bằng gỗ vào thời đại Edo, thế kỷ 18. 



 Hoa Anh Đào trong khuôn viên Đại Đông Tự

Sóng Việt Đàm Giang
Photos by SVĐG

No comments: