Friday, January 20, 2017

Trường Trưng Vương, Sở Thú, Viện Bảo Tàng Saigon.Đàm Giang



Trường Trưng Vương và
Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam, Đền Hùng Vương
Đàm Giang sưu tầm và biên soạn

Mở cuốn album hình cũ ngày xửa ngày xưa, bắt gặp tấm hình cũ rích chụp trước đền Hùng Vương nằm trong Vườn bách thảo, lại nhớ đến ngôi trường Trưng Vương và những kỷ niệm thân thương. Các nữ sinhTrưng Vương mấy ai mà không tìm cách đi thăm vườn Bách Thảo và Sở thú ở bên kia đường của trường Trưng Vương yêu quý của chúng ta! Có phải không các bạn Trưng Vương? 

Trong bài viết ngắn này, Đàm Giang xin chia xẻ một chút sưu tầm và hiểu biết về trường Trưng Vương cùng lịch sử của bên kia đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là Thảo cầm viên và Sở thú,  nơi có Bảo tàng viện lịch sử Việt Nam cùng Đền thờ Vua Hùng. Đàm Giang cũng xin cảm ơn tác giả những đoản văn tài liệu thu thập tại các trang nhà trên internet đã được ghi chép lại trong bài.

           Cổng trường Trưng Vương trước 1975 (*) 
        

Trường Trưng Vương năm 2006
Lịch sử trường Trưng Vương.


Tài liệu không nhiều, trường Nữ Trung học Trưng Vương Sài Gòn, số 3A, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q1,  Saigon là một trường trung học công lập dành cho nữ học sinh vào những năm trước 1975.
Trường Trưng Vương Sài Gòn là tiếp thân của ngôi trường Trưng Vương Hà Nội. Sau Hiệp định Genève 1954, một số giáo sư, giáo viên, và học sinh rời Hà Nội di cư vào nam, và từ đó trường Trưng Vương Saigon được thiết lập. Ba năm đầu tiên vì chưa có trường riêng nên trường Trưng Vương Saigon đã phải học nhờ trường nữ Trung học Gia Long nằm trên đuờng Legrand de la Liraye (sau đổi tên thành đường Phan Thanh Giản), với những lớp học buổi chiều.  Đến năm 1957, trường Trưng Vương rời về số 3A đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1. Địa điểm này nguyên trước là bệnh viện của Quân đội Pháp mang tên Quân y viện Coste, gần Thảo cầm viên/Sở Thú Sài Gòn và trường trung học Võ Trường Toản Sài Gòn. Trường có các lớp cấp trung học gồm 7 năm từ đệ Thất đến đệ Nhất.Từ sau năm 1975 cho đến nay, khi chính thể Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt thì trường biến thành Trường Phổ thông Trưng Vương cấp III cho cả nam lẫn nữ học sinh.
Trường Trưng Vương nằm trên con đường  mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vậy chúng mình có nhớ ông Nguyễn Bỉnh Khiêm không?
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) tên húy Nguyễn Văn Đạt, tên hiệu Bạch Vân cư sĩ, là một nhà giáo đạo đức, có tài làm thơ văn trong thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh), ông phò nhà Mạc, làm quan dưới triều Mạc, ông lại có tài tiên tri, đuợc phong tước là Trình Quốc Công, dân chúng quen gọi ông là ông Trạng Trình. Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam và những sấm ký lưu truyền được cho là do ông viết đã được biết như Sấm Trạng Trình. Đạo Cao Đài sau này phong ông làm thánh và suy tôn ông là Thanh Sơn đạo sĩ hay Thanh Sơn Chơn nhơn. Trong bức họa vẽ Tam Thánh ký hòa ước lưu thờ tại Toà Thánh Tây Ninh thì ông là một trong ba Thánh: Victor Hugo, Tôn Dật Tiên, và Thanh Sơn đạo sĩ. Bản sao chép bức họa này hiện được trưng và thờ tại tất cả các trung tâm Đạo Cao Đài.

 Vườn Bách Thảo và Sở Thú Saigon
Vườn Bách Thảo và Sở Thú Saigon (Saigon Zoo and Botanical Garden) tọa lạc trên một vùng đất rộng hàng chục mẫu, mặt tiền là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, một cạnh là đường Hồng Thập Tự (Nguyễn thị Minh Khai bây giờ), và mặt sau chạy dọc theo rạch Thị Nghè. Sở Thú thời Pháp thuộc gọi là Jardin Botanique (vườn bách thảo), sang thời Cộng Hòa đổi ra tên Việt, gọi là Thảo Cầm Viên (cây cối và chim muông). Tên Việt thông dụng là Sở thú, nôm na thì chỉ nói tới thú vật, mà không nhắc đến cây cối, bông hoa. Tuy nhiên tên Sở Thú thông dụng nhất, vì phần đông khách vào Sở Thú là để xem thú nhiều hơn là xem cây cối.
Sau khi vào qua cổng chính nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta thấy ngay trước mặt một con đường tráng nhựa rất rộng xe hơi có thể chạy được hai chiều, phần chính giữa hai đường có những bồn hoa đủ màu. Ngay đầu con đường nầy, bên tay phải là Đền Thờ Quốc Tổ (đền thờ vua Hùng), bên trái là Viện Bảo Tàng Saigon. Con đường nầy chạy dài, thẳng tắp độ 200 mét thì hết, đụng vào con đường chạy dọc theo rạch Thị Nghè. Con đường cắt ngang, nếu ta rẽ về bên tay phải, sẽ dẫn ta vào khu trung tâm của Sở Thú, nơi có chuồng khỉ, hầm gấu, chuồng chim, két, và, đặc biệt nhất, là một hồ sen rất lớn, ở giữa có nhà thủy tạ hình bát giác có cầu gỗ từ trong bờ đưa ra. Rời khu vực hồ sen ta sẽ đến khu chuồng cọp, sư tử và dã nhân. Sau đó bọc vòng trở lại bờ sông thì có chuồng voi và nai. Từ bờ sông gần chuồng voi có một cây cầu lớn dẫn qua khu Thị Nghè.  Ngoài các loại thú, Thảo Cầm Viên cũng có trồng nhiều kỳ hoa, cây lạ, và có cả một khu nhà kiếng cho các loại phong lan.

Lịch sử Vườn Bách Thảo và Sở Thú. 

Ngày 23 tháng 3 năm 1864, Đề đốc De La Grandière ký nghị định cho phép xây dựng Vườn Bách Thảo tại Saigon. Ngay sau đó, ông Louis Adolphe Germain, một thú y sĩ của quân đội Pháp, được giao nhiệm vụ mở mang 12 ha vùng đất hoang ở phía đông bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây. Một năm sau, tháng 3 năm sau 1865, ông Germain đã xây dựng được một số chuồng trại. Ngày 28 tháng 3 năm 1865, ông J.B. Louis Pierre, người phụ trách chăm sóc thực vật của Vườn Bách Thảo Calcutta (Ấn độ), được vời sang Saigon làm giám đốc.
Ông J.B. Louis Pierre tại chức giám đốc Vườn Bách Thảo và Sở Thú Saigon từ năm 1865 đến năm 1877 thì trở về Pháp. Để tưởng nhớ và ghi công ông, năm 1933, Hội đồng khoa học Pháp đã cho xây dựng một cột bia bằng đá hoa cương có ghi lại một câu nói của ông, đặt phía sau khu vườn kiểng. Vào năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cột bia đã được mang đặt ngay trên trục đường chính trong Thảo Cầm Viên, giữa Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Đền thờ Vua Hùng Vương. Lần này, cột bia có gắn thêm bên trên một bức tượng bán thân bằng đá hoa cương màu hồng, tạc hình ông.
Cuối năm 1865, Vườn Bách Thảo đã được nới rộng đến 20 ha. Sang năm 1924, khuôn viên sáp nhập thêm bên bờ bắc rạch Thị Nghè 13 ha nữa; một cây cầu đúc được bắc qua rạch để nối liền hai khu vực hoàn thành năm 1927. Và cũng trong năm đó, nhờ sự vận động của một viên chức Pháp tại Nhật, chính phủ Nhật đã cung cấp cho Vườn Bách Thảo khoảng 900 giống cây lạ.

Viện Bảo Tàng Lịch sử Việt Nam tại Saigon nằm ngay bên phía tay trái khi bước vào cổng chính của Sở Thú. Thời Pháp thuộc Viện Bảo Tàng mang tên Pháp là Musée Blanchard de la Brosse. Trong thời Cộng Hòa, cố học giả Vương Hồng Sển giữ chức Giám Đốc viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam từ năm 1948 đến 1964.
 Viện Bảo Tàng Lịch sử Việt Nam là một toà nhà lớn, dài, xây trên một nền cao. Bên trong chia làm nhiều phòng, mỗi phòng dành riêng cho một giai đoạn lịch sử hay một nền văn minh ở Việt Nam, chứa các cổ vật của nước ta và các quốc gia trong vùng như Chiêm Thành, Phù Nam, Chân Lạp. Đây cũng là nơi có phòng trưng bày các cổ vật của nền văn minh Óc Eo, một nền văn hóa cổ ở Nam bộ. Óc Eo là tên một địa danh nằm phía nam tỉnh An Giang, thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
     
Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam


Đền thờ Vua Hùng




Đền thờ Vua Hùng (còn được gọi là Đền Hùng vương hay Đền Hùng, trước đây còn có tên Đền Quốc tổ Hùng Vương), là một trong những nơi thờ vua Hùng Vương lâu đời tại Saigon.Năm 1926, nhà cầm quyền Pháp cho xây dựng cạnh cổng chính trong khu vực Vườn Bách Thảo Saigon, đối diện với Viện Bảo tàng Blanchard de la Bross (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), một ngôi đền mang tên Đền Kỷ niệm (Temple de Souvenir), để tưởng niệm những người Việt tử trận vì đi lính cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất.
Sau năm 1954, đền được đổi tên là Đền Quốc Tổ Hùng Vương, và thờ thêm một số nhân vật khác. Sau  1975, đền đổi tên là Đền Hùng Vương.Đền thờ Hùng Vương này có lối kiến trúc gần giống như các đền ở Huế, với bộ mái chồng, thêm một hàng hiên phía trước, và ba tầng mái cong. Các hình họa trang trí có hình rồng và phượng theo thể cung đình. Các bậc đá lên xuống các cửa, hai bên đều có đôi rồng chầu.
Trong đền, trên các bao lơn xung quanh, có chạm khắc các hình: hạc, lân, qui, phượng, tô đắp tinh xảo và sơn màu đỏ. Các lỗ thông gió xung quanh cũng được chạm khắc. Đền được chống đỡ bằng 12 cây gỗ mật màu đen bóng, đường kính khoảng 50 phân, tượng trưng cho thập nhị chi: tý, sửu, dần, mẹo, thìn, tỵ, ngọ... Tất cả đều theo mang phong cách nghệ thuật thời nhà Nguyễn. Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nơi đây đều có tổ chức lễ giỗ các vua Hùng.
Bên phải Đền Hùng Vương, có đặt một tượng voi đồng lớn với nét chạm khắc rất mỹ thuật, tiêu biểu cho nền thủ công của vương quốc Thái Lan. Voi được đặt trên bệ cao. Bốn mặt bệ, có gắn bốn biển đồng lớn hình chữ nhật. Cả bốn biển đều có khắc dòng chữ lưu niệm giống như nhau, bằng bốn thứ tiếng: Việt, Thái, Anh, Pháp. Bản tiếng Việt đại để ghi là vua Thái Lan : Đức hoàng đế Paramindr Maha Prajadhipok, đã tặng để làm kỷ niệm trong việc Ngài ngự qua bên nước Indochine lần đầu tại Saigon ngày 14 tháng 4, 1930.(Tượng voi ghi năm 1930, tuy nhiên, mãi đến ngày 20 tháng 10, năm 1935, tượng voi mới được vận chuyển từ Bangkok vào đến bến Nhà Rồng).

Tượng voi đền Vua Hùng (*)                                   

   Tượng J.B. Louis Pierre (*)   
                       
Tạm kết

Thấm thoắt thế mà chúng ta đã rời trường Trưng Vương thân thiết hơn nửa thế kỷ; từ những ngày son trẻ ríu rít bạn hữu rồi xa rời mái trường với kỳ vọng tương lai, nay chúng ta ít nhiều đều đã thành đạt, hầu hết đều có con cháu, và những nếp nhăn yêu kiều không thể tránh được. Nhưng tâm hồn chúng ta vẫn còn son trẻ khi nhớ lại những ngày xưa thân ái mãi mãi ghi lại trong tâm khảm…

Đàm Giang
Ngày 21 tháng 1, năm 2014
(*): hình thu thập trên internet.
Tài liệu thu thập từ Wikipedia

No comments: