Monday, July 3, 2017

Trường Trưng Vương Theo Dòng Thời Gian. Đàm Giang



Trường Trưng Vương Theo Dòng Thời Gian.
Đàm Giang

Lời mở đầu. Tháng ba năm nay 2017, trường nữ Trung học Trưng Vương trong nước và nước ngoài, tại nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức kỷ niệm 100 năm từ ngày trường Trưng Vương được thành lập. Bài viết dưới đây thu thập từ những tài liệu trên internet, đặc san Trưng Vương , và một số liên kết; nguồn chính thức không thể phối kiểm. Bài chỉ có mục đích giúp người đọc biết thêm môt chút về lịch sử Trường Trưng Vương từ ngày trường được thành lập.

Trường Trưng Vương Hà Nội
Trường Trưng Vương hiện nay tại Hà Nội mang tên là Trường Trung Học Cơ Sở Trưng Vương (THCS Trưng Vương).
Trường này trước đây đã từ lâu có tên là trường nữ sinh Đồng Khánh, một trường trung học cơ sở tại Hà Nội được thành lập năm 1917 và là một trong các trung tâm giáo dục lâu đời nhất của Hà Nội và Việt Nam.
Tưởng cũng nên nhắc lại trung học cơ sở là một bậc trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam, trên Tiểu học và dưới Trung học phổ thông. Trung học cơ sở kéo dài 4 năm (từ lớp 6 đến lớp 9). Thông thường, độ tuổi học sinh ở trường Trung học cơ sở là từ 11 tuổi đến 15 tuổi. Tiếp nồi trung học cơ sở là trung học phổ thông.
Trung học phổ thông là một bậc trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam, cao hơn tiểu học, trung học cơ sở và thấp hơn cao đẳng hoặc đại học. Trung học phổ thông kéo dài 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12). Để tốt nghiệp bậc học này, học sinh phải vượt qua kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vào cuối năm học lớp 12 (Thi Tú Tài).

Chữ Trung học cơ sở là chữ không dùng trong thời kỳ trước 1975. Theo trí nhớ của người viết thì trường sở trước 1975 theo thứ tự là trường mẫu giáo rồi trường tiểu học rồi đến trung học gồm trung học Đệ Nhất Cấp và trung học Đệ Nhị Cấp. Như thế Trung học Cơ Sở là trường trung học từ đệ thất đến đệ tứ (lớp 6 đến lớp 9), và trung học Phổ Thông là từ đệ tam lên đệ nhất (lớp 10 đến 12).

Trường Trung học Trưng Vương Hà Nội hiện nay nằm ở ngã tư phố Hàng Bài và phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội (thời Pháp là đại lộ Đồng Khánh và đại lộ Carreau), ngôi trường này trước kia có tên chính thức gọi là Trường trung học Paul Bert. Trường Trung học Paul Bert (Collège Paul Bert) là trường trung học công lập đầu tiên được thành lập ở Bắc kỳ vào năm 1886, dành cho học sinh con em người Pháp làm việc ở Hà Nội, trường dạy hai cấp Tiểu học và Cao đẳng Tiểu học gồm cả trường nam sinh và nữ sinh.

Ngôi trường được xây dựng trong những năm 1897 -1898, trên thửa đất ở ngã tư đại lộ Đồng Khánh, dài 100 mét và đại lộ Carreau, dài 87 mét, (tức phố Hàng Bài và phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội ngày nay). Ngôi trường được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc cũ, mái ngói một tầng, phần giữa và hai cánh ở hai đầu xây sâu hơn, rộng hơn và lên cao tầng. Bên cánh phải (nhìn từ trường ra cổng) dành cho Giám hiệu và bên cánh trái dành cho các phòng Quản lý trường, chủ yếu theo nguyên tắc đối xứng về xây dựng.

Theo thời gian trường có các tên gọi khác nhau theo hệ đào tạo là Trường Cao đẳng tiểu học Nam sinh (Trường Con Trai/École des Garçons), Cơ sở giáo dục Nữ sinh người Việt (Institution de Jeunes filles annamites), Trường Sư phạm nữ sinh người Việt (École Normale des Institutrices annamites), Trường Trung học nữ sinh người Việt (Collège de Jeunes filles annamites), hay trường được gọi theo tên phố là Trường Nữ sinh Đồng Khánh (École de Jeunes filles de Đồng Khánh), vì mặt chính nhìn ra đại lộ Đồng Khánh.

Ngay từ đầu, trường được thiết kế xây dựng như một tổ hợp cho trường học nam sinh và nữ sinh. Khu chính nhìn ra đường Đồng Khánh là khu trường học nam sinh nên ngay trên tường cao ở chính giữa, mặt chính có đắp nổi chữ "École des Garçons" và có ba cổng mang ba số 26, 28 và 30.
Năm 1904, Trường Nữ sinh Pháp chuyển sang cơ sở nằm trên phố Thợ Nhuộm (rue des Teinturiers), rồi phát triển thành một trường độc lập dành riêng cho nữ học sinh người Pháp cơ sở ở đại lộ Hai Bà Trưng (boulevard Rollandes).
Từ đây Trường Paul Bert (phố Đồng Khánh) chỉ còn học sinh nam nên còn gọi là Trường Nam sinh, hay Trường học con trai (École des Garçons).

Năm 1912, Chính quyền Pháp ở Đông Dương có dự định biến Trường Paul Bert đường Đồng Khánh thành trường Trung học Đông Dương ở Hà Nội. Tuy nhiên, vì địa điểm này quá chật hẹp nên dự án không thực hiện được phải chuyển về xây dựng ở Đại lộ République, nay là phố Hoàng Văn Thụ. Trường Trung học Đông Dương là tên gọi ban đầu của Trường Trung học Albert Sarraut.

Năm 1917, theo Nghị định 2229, ký ngày 10 tháng 11 năm 1917 chính quyền Pháp mở Cơ sở giáo dục Nữ sinh Việt Nam (Institution de Jeunes Filles Annamites) với hai bậc học Tiểu học và Cao đẳng Tiểu học. Các em được học các môn học bằng chữ Quốc ngữ và Pháp ngữ. Các cô giáo một số người Pháp, và một số môn do các cô giáo ngưòi Việt dậy. Vì nhu cầu cần một số cô giáo dậy tiếng Việt nên năm 1917, chính quyền Pháp cho mở Cơ sở Đào tạo nữ giáo viên người Việt (École normale d'Institutrices annamites),
Về trường lớp, năm 1918, chính quyền Pháp cho xây dựng khu trường học nằm trên phố Trần Phú (thời Pháp thuộc là phố Félix Faure), dành cho Cơ sở Giáo dục nữ sinh người Việt và Cơ sở Đào tạo nữ giáo viên người Việt của Trường Cao đẳng tiểu học nữ sinh bản xứ.

Dự án xây dựng và mở rộng Trường cao đẳng tiểu học Nam sinh ở phố Đồng Khánh được thực hiện trong những năm 1927 – 1928.

Giữa tháng 8 năm 1928, công trình xây dựng và mở rộng ngôi trường này hoàn thành, được bàn giao cho nhà trường để kịp khai giảng ngày 11 tháng 9.
Ngay năm học 1928 này, các trường Pháp và bản xứ có sự hoán đổi.
Trường Cao đẳng Nữ sinh Pháp rời chuyển từ phố Hai Bà Trưng về phố Trần Phú.
Trường Trung học Paul Bert (hay Cao đẳng Tiểu học Nam sinh Pháp) rời chuyển từ phố Đồng Khánh- Hàng Bài về thế chỗ Trường Cao đẳng nữ sinh Pháp ở phố Hai Bà Trưng
Toàn bộ ngôi trường Paul Bert ở đường Đồng Khánh đã được xây thêm, mở rộng dành riêng cho Trường Cao đẳng tiểu học nữ sinh người Việt, gồm Cơ sở Giáo dục Nữ sinh người Việt, và Cơ sở Đào tạo giáo viên Nữ người Việt, chuyển từ phố Trần Phú về phố Hàng Bài, theo dự án kiện toàn và chuyển đổi trường lớp do Nha Học chính Đông Dương tại Hà Nội báo cáo và lập ngày 31 tháng 12 năm 1925.
Năm 1937, do chương trình học thay đổi, Trường Cao đẳng Tiểu học Nữ sinh bản xứ ở Đại lộ Đồng Khánh, gồm Cơ sở Giáo dục nữ sinh người Việt và Cơ sở Đào tạo nữ giáo viên người Việt đổi tên, gọi là Trường Trung học Nữ sinh Việt Nam (Collège de Jeunes Filles Annamites), hay Trường Nữ Trung học Đồng Khánh.

Năm 1943, trong thời kỳ chiến tranh Trường nữ Trung học Đồng Khánh được rời về Hưng Yên. Ngày 12 tháng 10 năm 1945, Bộ Quốc gia Giáo dục ra nghị định cho dọn trường Nữ Trung Học Đồng Khánh dọn về khu học Hoàng Mai" (có ghi trong tập Nữ sinh hà Nội thời ấy cho biết đó là Trường tiểu học Công Ích cạnh chùa Liên Phái- Bạch Mai.
Ngày 14 tháng 2 năm 1946, theo nghị định của Bộ Trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe ra Nghị định, số 85 Trường Nữ Trung học Đồng Khánh Hà Nội được đổi tên là Trường Trung học Hai Bà Trưng. Theo những dòng hồi ký đăng trong tập Nữ sinh Hà Nội thời ấy, Trường Trung học Hai Bà Trưng khóa 1946-1947 học ở Phố Lò Đúc, tức Trường Lê Ngọc Hân bây giờ.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cả khu Trường Hàng Bài được chọn làm trụ sở Tổng trấn Bắc kỳ của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Trong Hồ sơ lịch sử kiến trúc, quyển số 100, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ số I Nhà nước còn lưu một bản vẽ ghi rõ tiêu đề góc trên bản vẽ là "Hà Nội - Trường Trung học Đồng Khánh làm trụ sở Tổng trấn Bắc phần Việt Nam – Bản đồ tầng dưới".
Đầu năm 1948, Trường Hàng Bài vẫn chưa được dùng lại làm trường học, Trường Nữ Trung học phải học nhờ trường tiểu học phố Hàng Than, Hà Nội (nay là Trường Nguyễn Công Trứ ) và Hiệu trưởng đầu tiên là bà Nguyễn Thị Yến, cựu giáo sư trường Đồng Khánh. Đến cuối năm học, trường được giấy báo sẽ chuyển về cơ sở số 9 phố Hai Bà Trưng (nay là cơ sở của Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật tổng hợp số 4, thuộc Sở Giáo dục Hà Nội). Vậy là sang niên học 1949, trường được xử dụng toàn ngôi nhà của sở Công Chính, số 9 Hai Bà Trưng.

Năm 1948 là một mốc thời gian quan trọng, đánh dấu một lần đổi tên mới là Trường Nữ Trung học Trưng Vương. Ngôi trường mang tên hai vị nữ anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng được chuyển về đúng phố Hai Bà Trưng. Có một thời gian khi bà Hiệu Trưởng Nguyễn Thị Yến vắng mặt vì lý do gia đình thì đầu niên khoá 1949-1950, giáo sư Nguyễn Kim Oanh đuợc chỉ định quyền Hiệu Trưởng trong thời gian bà Yến vắng mặt.
Việc mang tên mới từ năm 1948 là Trường Nữ Trung học Trưng Vương, hay Trường Nữ sinh Trưng Vương đã được ghi lại trong những bài viết và hồi ký của nhiều thế hệ nữ học sinh ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn như một sự kiện lịch sử của Trường. Theo "Đại hội toàn cầu Trưng Vương" cho biết đến năm 1948, trường chuyển đến đường Hai Bà Trưng, Hà Nội và tên trường được đổi thành Trưng Vương.
Trường Trưng Vương từ khi thành lập đã mở rộng từ trung học cơ sở (Thất, Lục, Ngũ, Tứ), đến niên khóa 1949-1950 thì có thêm lớp đệ Tam. Và bà Hiệu trưởng thứ hai của trường là bà Nguyễn Thị Phú, cựu giáo sư trường Đồng Khánh; giáo sư Kim Oanh giữ chức Giám Học; và bà Vũ Thị Nguyệt Minh là Tổng Giám Thị.
Sang niên khóa 1950-1951 thì có thêm lớp Đệ Nhị.

Cũng ghi nhận từ năm học 1950-1951, ngôi trường Hàng Bài bắt đầu được dùng trở lại làm trường học, nhưng đó là Trường Trung học Nguyễn Trãi. Trường Trưng Vương vẫn tiếp tục hoạt động ở số 9, phố Hai Bà Trưng đến năm 1956 mới chính thức trở lại ngôi trường Hàng Bài cho đến ngày nay.

Niên khoá 1951-1952 bà Tăng Xuân An được bổ nhiệm chức Hiệu Trưởng, bà Nguyễn Thị Phú thành Giám Học, bà Vũ Thị Nguyệt Minh vẫn giữ chức Tổng Giám Thị.

Sau hiệp định Genève tháng 7 năm 1954, một số giáo sư và học sinh di cư vào Sài Gòn và Trường Trưng Vương Saigon được thành lập. Hiệu trưởng trường Trưng Vương Saigon vẫn là bà Tăng Xuân An.

Tạm kết

Qua các tài liệu và bài viết về trường Trưng Vương thì năm 1948 đã được xem như một mốc son của Trường Nữ sinh Trưng Vương, một cái tên đã đi theo ngôi trường và các thế hệ học sinh đến tận ngày nay.
Trường Trưng Vương theo dòng thời gian có thể kể như sau:
- 1886: Trường Trung học Paul Bert được thành lập.
- 1897: Trường Trung học Paul Bert, hay còn gọi là Trường Đồng Khánh được xây dựng trên ngã tư đại lộ Đồng Khánh và đại lộ Carreau (1897-2017).
- 1917: Thành lập Cơ sở Giáo dục Nữ sinh bản xứ và Trường Sư phạm Nữ sinh bản xứ - tiền thân của Trường Nữ sinh Đồng Khánh hay Trường Nữ sinh Trưng Vương, ngày nay là Trường THCS Trưng Vương.
- 1927: Ngôi trường Đồng Khánh được xây mới và nâng cấp từ nhà một tầng thành khu nhà hai tầng có mô hình kiến trúc như hiện nay.
- 1937: Cơ sở Giáo dục Nữ sinh và Trường Sư phạm Nữ sinh của Trường Cao đẳng Tiểu học Nữ sinh Đồng Khánh được đổi tên, gọi chung là Trường Trung học Nữ sinh người Việt.
- 1948: Trường Nữ Trung học đổi tên là Trường Trung học Hai Bà Trưng (năm học 1946-1947) - Năm 1948: Trường đổi tên là Trường Nữ Trung học Trưng Vương.
- 1954: Sau Hiệp định Geneve, một số giáo sư và học sinh rời Hà Nội vào Saigon và trường Trưng Vương Saigon thành lập.
- 1956: Trường Nữ Trung học Trưng Vương Hà Nội chuyển về nơi thành lập đầu tiên trên phố Hàng Bài, tức đại lộ Đồng Khánh xưa kia.

Đàm Giang biên soạn.

Tài liệu tham khảo.

1- Đào tạo nữ giáo viên:
http://www.le-temps-des-instituteurs.fr/doc-ecole-normale.html
2- Một phần Lịch sử Trường Trưng Vương viết theo bài của NVT:
http://trungvuong.edu.vn/mo-hinh-ban-tru-chuyen-biet/
3- Nhớ về Trường Trưng Vương Hà Nội. Vũ Thị Nguyệt Minh. Giai Phẩm Trưng Vương Mê Linh 2015.
4- Và vài chi tiết thu thập tại links khác nhau trên internet.

No comments: