Friday, June 7, 2019

Italy.Venice1.PiazzoSanMarco.SVDG


Du lịch Italy
Venice (Venezia)

Sóng Việt Đàm Giang
Phần 1


Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi được xe bus đưa đến Venice sau khi đi qua chiếc cầu Liberta (Ponta della Liberta). Du khách đến thăm viếng Venice có thể mướn phòng khách sạn tại Mestre một tỉnh nhỏ gần Venice, rồi đi xe điện hay xe bus qua cầu Liberta để đến bến vaporetta; hay ở ngay tại Venice. Sự giao thông công cộng tại Venice chỉ toàn dùng đường nước qua các kênh. Có lần chúng tôi ở khách sạn trên đảo Venice ngay tại trạm chót vaporetti của San Marco, có lần chúng  tôi ở tại khách sạn tại Mestre trên đất liền. Cả hai lần đều đi theo đoàn du lịch. Đền Venice, cả đoàn dùng phương tiện di chuyển bằng vaporetti một loại tàu máy bus trên kênh để đi tới bến tại Piazza San Marco để thăm thành phố. Ngồi trên water taxi chạy dọc trên Grand Canal, hai bên bờ là nhà nhờ và nhiều toà nhà kiến trúc rất đẹp mắt.

Hình internet

Venice hay Venezia (từ của người Veneti cổ) có nghĩa là tình yêu. Vì thế Venice đuợc mang tên là “Thành phố Tình Yêu”, và còn được nhắc đến như là thành phố nổi trên nước, thành phố của những cây cầu, thành phố của mặt nạ hóa trang, v.v…
Venice thiết lập trên 118 đảo nhỏ nằm trong một lagoon lớn. Hệ thống giao thông là kênh nước (122 kênh nước), và cầu (400 cầu). Grand Canal là trục giao thông chính.
 (Thành phố này tùy thuộc vào du khách làm mức lợi tức chính, cho nên phí tổn tại Venice thứ gì cũng cao hơn nơi khác, hầu hết lợi tức thu thập từ du khách được dùng để bảo trì thành phố.)

Thời ngày xưa (từ thế kỷ thứ 9), Venice theo chính thể cộng hoà, đứng đầu là vị Tổng-trấn thành Venice (Doge), và thành phố được điều hành bởi hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị này có rất nhiều quyền hành, có tài nguyên thu thập rất lớn do chiến thắng và chiếm đoạt từ những quốc gia xa ngoài biển. Thịnh vượng đổ vào Venice đã làm thành phố này có dư sức xây dựng được nhiều nhà thờ, dinh thự nguy nga lộng lẫy chứa tràn ngập những tranh họa và điêu khắc quý giá. Vào năm 1797, chính thể Cộng hòa bị đổ, Venice sau đó trở thành một đô thị của một hợp chủng Ý quốc vào năm 1866.

Điểm chính của thăm viếng Venice là thăm những di tích tại quảng trường San Marco và vùng phụ cận.cùng chiêm ngưỡng hệ thống kênh nước có một không hai của Venice.

Piazzo San Marco
Công trường St Mark (Piazza San Marco) là một công trường/quảng trường rộng lớn nằm ngay trước thánh đường San Marco, giới hạn trong khoảng không gian dinh tổng trấn, thánh đường San Marco, toà nhà  đồng hồ,  những dinh thự đốc phủ Procuratie, toà tháp và toà nhà thư viện Marciana.

Quảng trường San Marco là quảng trường quan trọng nhất và nổi tiếng nhất của thành phố Venice,  dài 175 m, rộng 82 m. Piazza San Marco cùng với Piazza RomaPiazza Rialto là ba quảng trường trong thành phố Venice được gọi là piazza. Các quảng trường khác của Venice được gọi là campi.

Từ bến đậu của vaporetto, water taxi trạm San Marco đi lên, theo ngược chiều kim đồng hồ là Dinh Tổng trấn Palazzo Ducale, rồi cổng đi ra vào dinh tổng trấn Porta della Carta, Đại thánh đường San Marco (Basilica Di San Marco), tháp đồng hồ (Torre dell'Orologio), dinh đốc phủ Procuratie Vecchie, cánh nhà Napoléon của Procuratie, dinh Procuratie Nouve, tháp chuông (Campanile) và Biblioteca Marciana, một trong những thư viện lớn nhất của Ý. Chúng ta cũng nhìn thấy cây cầu Liberta, góc phía trên bên trái tấm hình, nối Venice với đất liền Italy.

Toàn diện quảng trường San Marco (hình internet)
               
  



Photo SVĐG

Từ quảng trường San Marco nhìn ra một quảng trường nhỏ, quảng trường nhỏ Piazzetta dei Leoncini có 2 cột cao: Cột Thánh Mark (Marco) và cột Thánh Theodore (Torado). Hai cột này này được chở tới Venice từ Constantinople và dựng lên vào thế kỷ thứ 12; cột bên phải ở trên đỉnh là tượng sao chép San Theodore tay cầm giáo và tay cầm khiên, hai chân đứng trên lưng một con cá sấu tượng trưng cho con rồng đã bị giết, và là người trụ trì Venice trước San Marco (bản tượng nguyên thủy nằm trong Doge’s Palace); đỉnh cột thứ hai bên trái (gần dinh tổng trấn) là tượng sư tử bằng đồng có cánh, tượng trưng cho St. Mark/Venice.  
Dinh tổng trấn (Palazza Ducale)
  


                            Palazza Ducale. Thần Justice trên dinh tổng trấn và trên gần ngọn tòa tháp.
                          Photo SVDG                               

Dinh tổng trấn Palazzo Ducale là một kỳ công của kiến trúc Gothic, phía ngoài mặt tiền của Dinh Ducale chạy dọc theo bờ sông hoàn tất vào năm 1419. Lúc ban đầu cửa vào nằm mặt tiền nhìn ra phá, sau cửa chính vào Dinh là Porta della Carta, nằm ở mặt Piazza San Marco. Hành lang bên ngoài dinh dọc theo công trường kiến trúc với những vòng cung nhọn Gothic xây cất rất tỉ mỉ. Dinh Palazza Ducale nối liền nhà thờ San Marco ở phía đông với Piazza San Marco. Đây là nơi họp hành của Hội đồng quản trị thành phố, là nơi Tổng trấn ở, có Tòa án, có trung tâm dịch vụ dân sự, có nhà tù.
Sala del Maggior Consiglio. Tintoretto, Paradise, 1587-90. Venice, Italy.

 Chúng tôi được hướng dẫn đi thăm và nghe giải thích qua hệ thống audio từng lầu, từng phòng của dinh. Phần trên của các bức tường và đặc biệt là trần nhà được trang trí rất tráng lệ. Việc trang trí phần khung phía dưới trần nhà rất được coi trọng, thường là tranh vẽ của những nhà nghệ sĩ dẫn đầu trong Venezia mà chủ đề chính là ca ngợi thành phố.   Phòng The sala del Maggior Consiglio (Phòng Đại hội đồng) là phòng lớn nhất trải dài 54m và rộng hầu hết lầu một của dinh, nơi này có thể chứa được 2,600 người từ các nơi đến tham dự. Trên tường chung quanh có hình vẽ của 76 tổng trấn đầu tiên.
 Chiếm toàn bộ bức tường phía sau là bức tranh "Thiên đường" của Jacopo Tintoretto  (1588-1589)). Tranh này được vẽ sau khi vụ hỏa hoạn năm 1577 đã đốt cháy các bức tranh trước đó của Bellini, Carpaccio và Tizian. Căn phòng này rất sáng vì có cửa mở trông ra phía ngoài để ánh sáng và không khí tràn vào phòng. Từ cửa sổ chúng tôi có thể nhìn bao quát kênh lớn và những đảo nhỏ nằm gần kênh.
 Các phòng đi xem gồm phòng lớn La Sala della Mappe vẽ bản đồ thế giới biết đến ở thế kỷ thứ 16; phòng đợi Anticollegio; phòng La sala dell Senato đón đại sứ các nơi đến thăm viếng; phòng nào cũng đầy tranh của các họa sĩ nổi tiếng của Ý, v.v…
  Chúng tôi cũng thấy những căn phòng như phòng tra tấn, phòng tạm giam chứa tù nhân. Hành lang dẫn tù nhân từ nhà giam bên dinh tổng trấn đến nhà tù thành phố đi ngang qua một cái cầu bắc ngang kênh nước ở lầu hai mang tên cầu Bridge of Sighs (Cầu Than thở). Qua lời người tourguide thì tù nhân nhìn được ánh sáng và thành phố một lần cuối khi đi ngang qua cây cầu này trước khi bị tống vào nhà tù, vì cầu có kiến trúc với nhiều cửa sổ nhỏ. Cũng theo lời người tourguide địa phương và sách thì nhà tù ở Doge’s Palace là nơi đã giam giữ nhiều nhân vật nổi tiếng vào những thời điểm đó. Hai nhân vật quen thuộc được nhắc đến là Giacoma Casanova và Galileo Galilei.
 
         
           Bridge of Sighs. Ponta della Paglia.  Bên phải là Doge’s Palace, bên trái là nhà tù

 Casanova (1725-1798), sinh trưởng ở Venice, được biết đến như là một nhân vật đào hoa số một của Âu châu. Theo tự chuyện “The history of my life” thì Casanova đã có liên hệ tình dục với 122 thiếu nữ, hay phụ nữ. Casanova ngoài ra còn được coi như một chiến sĩ, một gián điệp, một nhà ngoại giao, nhà văn, và một người thích mạo hiểm. Vì nhiều lý do mà Casanova bị bắt, xử tội và giam ở nhà tù ở Doge’s Palace, nhưng Casanova đã tìm cách trốn thoát và là người đầu tiên trốn thoát ra được khỏi nhà tù này một thời gian bị giam giữ rất ngắn sau đó, vào năm 1756.
Galileo Galilei (1564-1642) sinh trưởng ở Pisa, khi còn trẻ đã bị cha ép buộc theo học y khoa, nhưng ông không thích và sau đó bỏ sang ngành toán học và khoa học. Ông Galilei là một nhà vật lý học, toán học gia, nhà thiên văn, và cũng là một triết gia. Galilei có công hoàn chỉnh ống kính thiên văn, và có công lớn với ngành khoa học. Ông đã một thời bị giam ở nhà tù nổi tiếng ở dinh tổng trấn do thất sủng với giáo hội vì ủng hộ lý thuyết của Copernicus. Ông cũng là người không lấy vợ nhưng sống với một người đàn bà và có ba người con.

Về kiến trúc thì dinh Tổng trấn là một công trình xây dựng đồ sộ của kiến trúc sư Filippo Calendario với nhiều sảnh đường rộng lớn. Dinh hiện tại phần lớn được xây dựng qua hai đợt như có thể nhìn thấy ở mặt ngoài phía nhìn ra phá. Hai cửa sổ bên phải thấp hơn các cửa sổ còn lại. Chúng được xây trong đợt đầu (đầu thế kỷ 14), khi dãy nhà bên phải được kiến tạo mà từ đó chiếc Cầu than thở dẫn vào trại giam ở phía bên kia kênh. Cánh nhà bên trái của dinh được xây từ giữa thế kỷ 14 sau khi Filippo Calendario bị treo cổ chết với tội phản nghịch (năm 1355), đến giữa thế kỷ 15 (1450).
Mặc dù đã trải qua ba lần bị cháy trong thế kỷ 15 và 16, dinh tổng trấn bao giờ cũng được tái xây dựng lại theo phiên bản cũ. Tuy nhiên bên trong các phòng lại được trang bị theo thời gian tu bổ.

   



Cửa Carta
Ở mặt nhìn ra quảng trường nhỏ (piazzetta) từ góc ngoài phía tây của dinh  đi hướng về Thánh đường San Marco, tại cột vòng cung thứ bẩy là điểm cho thấy phần dinh này đã được xây cất vào cỡ 1340, và những phần tiếp theo đã được cất thêm vào thời điểm 1424. Vì các cột mới hơn này được xây rập theo các cột cũ nên không thấy khác lạ. Tuy nhiên ở cột thứ bẩy thì có ghi lại dấu bằng một tượng khắc nổi hình tròn tượng trưng cho thần Justice của Venice (Justice/ Justitia thần thoại  La Mã tượng trưng công bằng và pháp lý với gươm bên tay phải, tay trái tì lên bản giấy cuộn, hai bên có hai đầu sư tử.  Và ngay trên bên phải của cột này là một balcony nhỏ. Đây nguyên là nơi tuyên án xử tội những kẻ bất lương hay phạm tội chính trị với quốc gia Ý thời đó.
Dinh tổng trấn nối liền với bên cạnh Thánh đường San Marco bằng một cửa ra vào dinh mang tên cửa Carta (Porta della Carta xây năm 1438). Trên tận cùng cửa này là tượng Justice, phía dưới là tổng trấn Francisco Foscari quỳ trước sư tử có cánh (St Mark). Hai bên là bốn tượng, tượng trưng cho Temperance, Fortitude, Prudence vàCharity.

Qua cửa Carta là sân trong dinh tổng trấn.
Các công trình kiến trúc tại sân trong có nguồn gốc khoảng đầu thế kỷ 16. Mặt ngoài của cánh phía đông là một công trình mới của thế kỷ 15 theo phong cách Phục Hưng. Một cầu thang có tên Scala dei giganti dẫn từ sân trong lên tầng trên nơi tổng trấn cư ngụ. Cầu thang mang tên này là do có hai bức tượng to lớn mô tả thần Mars và Neptune trong thần thoại La Mã do Jacopo Sansovino sáng tác năm1567. Cạnh nơi này là hòm thư đặc biệt Bocca di Leone đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Venezia. Đây là hòm thư dành để tố cáo như tấm bảng ghi chú. Nếu muốn tường trình việc gì bất lợi cho một người khác và có hai nhân chứng thì người ta chỉ cần ném một tin nhắn vào miệng của tấm mặt nạ này và hội đồng hành chính thành phố sẽ điều tra về chuyện ấy.




Sân trong dinh tổng trấn với 2 giếng nước màu đen và thềm thang lớn


Đại thềm bậc thang với tượng Mars và Neptune.
Thùnh thư tố cáo Leon.

Còn tiếp…








No comments: