Thursday, January 13, 2022

Cà Phê Giữa Lòng Paris. Vũ Ngọc Quỳnh

 

Cà phê giữa lòng Paris




Thu phân 2021

Vũ Ngọc Quỳnh

Trong nửa thế kỷ sống ở Paris, người viết có nhiều kỷ niệm gắn bó với các quán cà phê ở Thủ đô Ánh sáng, đặc biệt ở Quartier latin, nơi tập chung đông nhất các học sinh, sinh viên Pháp và người nhập cư nước Pháp cùng những khách du lịch khắp thế giới đến thăm Paris.

Cà phê đậm đà quyến rũ

Charles-Maurice de Talleyrand (1754-1838), chính khách và nhà ngoại giao Pháp thích: cà phê đen như quỷ sứ, nóng như hỏa ngục, dịu dàng như tình yêu,” (VNQ dịch).

Nhà thơ Arthur Rimbaud nói: “ Cà phê thần diệu, để lại hương vị trong miệng lưỡi suốt một ngày.”

 

Cà phê từ đâu đến Âu châu?

Nguồn gốc cà phê được nhiều sử gia nghiên cứu. Họ cho là cây cà phê đầu tiên Coffea Arabica mọc ở vùng Kaffa của Abyssinia, nay là Éthiopie. Chữ café xuất xứ từ chữ Ả Rập « Qahwa », có nghĩa là kích thích. Hiện nay ở Éthiopie, người ta vẫn dùng trong thuốc dân gian nước nấu hạt xanh cà phê hoặc lá cà phê.

Rồi một ngày kia, cà phê đã vượt qua Hồng Hải (Mer Rouge) trong tay ông Ali Benomar, một nhà truyền giáo soufi vào cuối thế kỷ XIV.

Dần dần, cà phê đã đến La Mecque, Le Caire, Alexandrie, Istanbul và sau cùng là tất cả thế giới Hồi giáo.

Cà phê đến Venise

Venise là một Cité-d’État, Thành phố-Nhà nước phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI.

Vào khoảng năm 1600, những thương gia của những nước Hồi giáo đem lại cho dân Venise « la boisson des infidèles », có nghĩa là “nước uống của người ngoại đạo”, tức là những người không theo đạo thiên chúa Có người còn đem cà phê tố cáo với Giáo hoàng Clément VIII (1536-1605). Nhưng sau khi uống, Ngài thấy tỉnh táo trong các buổi lễ kéo dài hằng nhiều giờ. Bác sĩ kiêm nhà thảo mộc Prospero Alpino (1553-1616) nghiên cứu cà phê, nhận xét là có hiệu quả cho sức khỏe.

Pietro Pella Valle (1586-1652), một thi sĩ và một nhà thám hiểm Ý, là người đã đem vải bao café turc đến thành phố Marseille. Ông viết năm 1614: Người Thổ Nhĩ Kỳ có loại nước uống màu đen gây mát cho mùa hè và ấm cho mùa đông.

Cà phê đến Pháp

Triều đình vua Louis XIV là nơi khám phá đầu tiên cà phê ở Pháp. Soliman Aga, đại sứ Paris  của sultan kinh đô Constantinople là bộ mặt rất được giới thượng lưu Pháp ở thủ đô và những quan chức của triều đình vua trọng vọng. Trong những chiêu đãi sang trọng, Soliman Aga không quên đãi các quý khách Pháp món nước đặc biệt: cà phê. Ông cũng không quên để đường trên bàn để quý khách cho vào cà phê.

Thế là cà phê trở thành món uống thời thượng của giới quý phái Paris và của triều đình vua.

 

Những tiệm cà phê đầu tiên ở Paris

Vào năm 1682, một tiệm cà phê đầu tiên mở ở Paris tên là Maison de caoua.

Năm 1682, một người dân Sicilien của vùng Palerme, tên là Francesco Procopio dei Cotelli đổi thành tên Pháp là François Procope-Couteaux, mở ra một tiệm cà phê giữa lòng Paris mang tên Procope.

Tiệm này có tiếng ngay từ đầu, thu hút rất nhiều nhân vật có tiếng. Đặc biệt tiệm nhận khách phụ nữ, một điều hiếm thời đó..

Tiệm nay vẫn tọa lạc ở gần khu Odéon, một khu trù phú của Paris 6. Khách đến thưởng thức cà phê hoặc ăn uống ở quán này có thể chiêm ngưỡng những trang trí lịch sử của quán.



Trước Cách mệnh Pháp 1789, Paris đã có khoảng 2000 quán cà phê.

Rồi cà phê lan tràn đến các thủ đô các nước Âu châu khác, Bỉ, Áo, Hoà Lan v.v.

 

Thương mại cà phê trên thế giới.

Cà phê được sản xuất khoảng trong 70 nước ở vùng nhiệt đới thế giới gọi là Vòng đai nhiệt đới.

Đứng đầu sản xuất là Brésil, chiếm 34% thị phần, sau là Việt Nam chiếm 14% thị phần, Colombie 7% thị phần v.v.

Từ nơi sản xuất, các hãng thương mại lớn phân phối cà phê khắp thế giới.

 

Những nước tiêu thụ cà phê nhiều nhất

Brésil tiêu thụ 30% cà phê được thương mại..

Hoa Kỳ: 23%

Đức; 14,8%

Nhật: 7,8%

Ý: 6,3%

 

Cà phê ở Quartier latin, Paris

Vào thập niên 1950-1960, Quartier latin Paris 5 là khu riêng biệt của học sinh, sinh viên Pháp và những người sinh viên nước ngoài đến học ở Paris.

Khu này nổi tiếng với các công trình nghệ thuật lịch sử như Panthéon, église Saint-Étienne-du-Mont, Fontaine Saint-Michel, La Sorbonne, Bibliothèque Sainte-Geneviève, Jardin du Luxembourg, Faculté de Droit, Faculté de Médecine. Những trường trung học tập tụ ở đây có uy tín: lycée Saint-Louis, lycée Louis-le-Grand, lycée Henri IV, collège Sainte-Barbe. Hai trường lớn cũng ở khu này: École polytechnique, École normale supérieure de la rue d’Ulm.

Đây cũng là nơi tập trung những tiệm cà phê, tiệm ăn, phòng chiếu bóng làm cuộc đời sinh viên phong phú.

 

Hãy nói về những quán cà phê ở Boulevard Saint-Michel và Place de la Sorbonne, nơi đã là “thiên đàng” của học sinh, sinh viên vào thập niên 1950-1960.

Chúng ta đi dọc trục từ RER Luxembourg xuyên qua Boulevard Saint-Michel, đến Place de la Sorbonne, rồi tiếp tục trên Boulevard Saint-Michel, đến Place Saint-Michel, đoạn cuối của đại lộ, giáp sông Seine.

Trạm RER Luxembourg

Hướng ra Jardin du Luxembourg, đối diện với hai quán cà phê lớn, Café Le Luxembourg Café Le Rostand,

Café Le Luxembourg



58 boulevard Saint-Michel, Paris 6e, giáp với Rue Monsieur Leprince.

Cà phê rộng rãi, ăn trưa được, đông khách từ hơn nửa thế kỷ nay.

 

Café Le Rostand



6 Place Edmond Rostand

Cà phê có thềm ngoài (terrasse) được trang trí đẹp, có vải phủ phía trên, ngồi ở đây ngắm Jardin du Luxembourg trước mắt, với người qua lại, thật là cảnh đẹp…nhất là khi trời mưa.

Có thể ăn trưa trong tiệm này.

 

Rue Soufflot

Là phố trục đến Panthéon. Ở đầu phố này giáp với Boulevard Saint-Michel trước đây có hai quán cà phê lịch sử, Le Mahieu bên phải và Le Capoulade bên trái khi nhìn về phía Panthéon.

Le Mahieu

Capoulade (mang tên Wimpy) bên trái, Mahieu bên phải

Đó là quán cà phê mà sinh viên Việt Nam thập niên 1950-1960 quen biết nhiều nhất. Họ gọi quán là Mã Hiệu. Họ thường đến đó để thưởng thức cà phê đen, để bàn tán thời sự và nhất là để ngắm các cô gái qua đường, cho điểm mỗi cô. Một vài người nghiện đánh cá ngựa, gọi là PMU (Pari Mutuel Urbain), chẳng có ai làm giàu, trừ một sinh viên Việt Nam trúng số, được một con ngựa đua mà anh ta bán ngay, được khối tiền.

Le Capoulade

Nằm bên kia đường, là cà phê lịch sử của những năm 1930-1960, nơi gặp gỡ của nhiều thế hệ trí thức, sinh viên, du khách.


Capoulade (1934-1967)- Wimpy (sau 1967)-Nay là Burger King.

Cả hai cà phê này đều đã biến mất, nhường cho McDonald (Le Mahieu), Burger King (Le Capoulade).

Place de la Sorbonne

Khu này tọa lạc ngay phía sau đại học La Sorbonne với vòm Chapelle de La Sorbonne cổ kính. Collège de la Sorbonne được Robert de Sorbon xây năm 1253, đến thế kỷ XVII, Cardinal de Richelieu mở rộng thêm, khai trương đại học danh tiếng này. Mộ Hồng y Richelieu nằm ở đây.

Place de la Sorbonne có bồn suối trong khu đá xây theo hình chữ nhật. Quảng trường này có những tiệm sách nhỏ nhưng có tiếng, những quán ăn nhỏ lúc nào cũng đông khách.

Đặc biệt là quán cà phê Tabac de la Sorbonne, có những kỷ niệm riêng tư của người viết.



Vào thập niên 50-52, các anh Nguyễn Quang Riệu, Nguyễn Tường Việt, Phạm Tư Mạnh, sinh viên khoa học ở La Sorbonne thường đến đây cuối tuần gặp nhau.

Tôi nhắc đến kỷ niệm này khi viết về anh Nguyễn Quang Riệu, mất ngày 5/01/2021 tại Paris.

Tiếp theo trên Boulevard Saint-Michel, còn có những quán cà phê khác, Dupont Latin, La Source nay đều biến mất, nhường cho những quán bán quần áo.

Place Saint-Michel

Đây là khu chót, nối Boulevard Saint-Michel với sông Seine.

Fontaine Saint-Michel uy nghi với bồn suối lớn và tượng Saint-Michel tay cầm giáo đâm con Rồng quỷ nổi bật phía sau.

Hai tiệm cà phê lớn tọa lạc ở quảng trường này

Le Séverin nằm đầu rue Saint-Séverin với mặt tiền ra Place Saint-Michel, ngay cạnh tiệm sách nổi tiếng Gibert Jeune. Tiệm cà phê này trang trí đẹp và đông khách. Rồi cách đây vài năm, người ta thấy tiệm bị đập phá và xây lại tiệm mới là Sephora, chuyên bán mỹ phẩm.



Le Départ Saint-Michel

Nằm khúc cuối Place Saint-Michel và một góc nhìn sang sông Seine.

Tiệm cà phê lớn và đẹp này vẫn tồn tại từ một thế kỷ tới nay.



Bên kia đường của Place Saint-Michel là rue Saint-André-des-Arts, có một tiệm cà phê nhỏ mang cùng tên, vào thập niên 1960 có tên là Le Rallye, thời chúng tôi còn là sinh viên hay đến đó đánh bi điện, nghe Juke box  Elvis Presley, Fats Domino. Tiệm này nay là tiệm Saint-André-des-Arts.

Quartier Saint-Germain des Prés

Khu này tập trung chung quanh Église Saint-Germain des-Prés, một nhà thờ gô tích có một lịch sử lâu đời, bắt đầu là một abbaye (tu viện) xây xong năm 1030. Rồi sau được sửa và mở rộng năm 1145, nay mới được trùng tu để đón các ban nhạc cổ điển, gần đây đã tấu nhạc Les quatre saisons de Vivaldi và được thính giả tán thưởng nhiệt liệt.

Trước nhà thờ là quảng trường Saint-Germain-des-Prés và chung quanh là boulevard Saint-Germain, rue Bonaparte.

Sau Thế chiến thứ hai, khu Saint-Germain-des-Prés nhanh chóng trở thành huyền thoại khi những nhà văn kiêm triết gia, những nghệ sĩ, những thi sĩ, ca sĩ đã phát huy trường phái Existentialisme (chủ nghĩa hiện sinh) với văn hào Jean-Paul Sartre, người được coi là giáo chủ hiện sinh” và Simone de Beauvoir, một văn hào bạn đời của ông, cùng nhóm bạn thân của họ.

Ngày ngày họ đến hai quán cà phê danh tiếng, Café de Flore Café Deux Magots.




Mỗi ngày họ ngồi ở đó từ sáng đến chiều, mỗi người một bàn, khi nào họp bạn thì ngồi chung một bàn lớn.

Họ viết lách, chuyện trò suốt ngày. Albert Camus, hồi đó thân với Sartre và cũng là thời chủ nhiệm báo Combat tới đó thường xuyên trong khi Sartre tung ra tạp chí Les Temps Modernes. Juliette Gréco, hiện thân của Saint-Germain-des-Prés, Mouloudji hát ở khu đó. Boris Vian tài hoa, kỹ sư École centrale de Paris, văn sĩ, thổi kèn nhạc jazz ở các hầm Saint Germain-des-Prés, nơi tuổi trẻ nhảu điên cuồng be-bop mới được lính Mỹ nhập vào Pháp trong Đệ nhị Thế chiến.

Thời existentialisme huy hoàng đó kéo dài từ năm 1944 đến năm 57/58  sau mờ dần.

Vào thập niên 60, khi chúng tôi nhập học hai năm đầu Y khoa ở Nouvelle faculté de médecine, rue des Saints-Pères, hai năm thi tuyển khó khăn, ngày nào chúng tôi cũng đi qua Café des Deux Magots, Café de Flore, Café La Rhumerie trên Boulevard Saint-Germain.

Một hôm, giữa hai bài giảng ở Nouvelle Faculté de médecine, nhóm bạn bốn người chúng tôi chọn quán Les Deux Magots uống cà phê trong khi chờ đợi. Anh Éric, chàng thanh niên bảnh trai tóc vàng, giống ca sĩ Claude François, dẫn đầu tiến lên cầu thang hướng lầu nhất, anh Édouard tiếp chân, rồi đến cô Sonia một thiếu nữ gốc Nga có đôi mắt Á Đông và tôi là đuôi chót.

Tầng nhất vào 10 giờ sáng chỉ có chúng tôi là ẩm khách.

Chúng tôi nhâm nhi cà phê rồi bàn tán về những kỳ thi tới sẽ quyết định số mệnh chúng tôi.

Nửa giờ sau, anh Éric xuống quầy hàng lấy addition, hoá đơn. Anh mau chóng lên tầng nhất gặp chúng tôi, mặt hầm hầm: “ Đây các bạn xem, nó cứa cổ chúng ta

đây này!” Bốn tách cà phê nhỏ xíu giá gần gấp đôi  các tiệm cà phê khác. Rồi chẳng nói chẳng rằng anh Éric lượm tất cả những cái đựng tàn thuốc lá có dấu ấn Deux Magots đẹp đẽ cho vào cái cặp. Tôi tái mặt nói:” Các bạn hãy để tôi xuống trước nhé?” Rồi không đợi trả lời, tôi xuống cầu thang, gật đầu chào ông quản lý và anh hầu bàn, bước ra boulevard Saint-Germain, phập phồng đợi các bạn.

Năm phút sau, họ xuống an toàn. Anh Éric tiến về phía tôi mỉa mai: “Moa vẫn nghe nói là dân Việt Nam anh hùng cơ mà? Toa có vẻ như cáy vậy?” Tôi đành cười nghệ (rire jaune), bối rối. Anh Édouard hiền hoà và Sonia cứu tôi, nói với Éric xoá bỏ câu chuyện đi.

Sau này chúng tôi đều thành bác sĩ y khoa.

Thỉnh thoảng có dịp ngồi Les Deux Magots hay Le Flore.

Nhưng tuổi trẻ đã qua rồi.

Xin viết một câu thơ của Lý Thương Ẩn thay một chữ:

Nhất Huyền nhất Tiệm tứ hoa niên.



Paris, lập thu năm 2021

Vũ Ngọc Quỳnh

 Viết theo ký ức và một số đặc biệt Express về Café.

**

Hình ảnh trừ ba hình chót, là hình thu thập trên Internet từ nhiều trang nhà khác nhau (GNT)

No comments: