Thơ
Lưu Vũ Tích.
Sóng
Việt Đàm Giang
sưu
tầm, biên soạn và phỏng dịch.
Lưu Vũ Tích (772 – 842), tự là Mộng
Đắc, quê ở Lạc Dương, Hà Nam. Ông là một thi nhân thời Đường. Từng đảm nhiệm
chức Thái Tử Tân Khách, người đời hay gọi là “Lưu Tân Khách”.
Trong thơ ông thường hay dùng thủ pháp, thể hiện sự đa nghĩa trong từng từ. Thơ Lưu Vũ Tích có “Trúc chi từ”, “Dương liễu chi từ” và “Lãng đào hoa” làm tên ba tập thơ chính của ông. Trong đó nổi bật nhất gồm có ba bài thơ: “Ô Y hạng”, “Thạch đầu thành” và “Liễu chi từ”.
Bài viết này nhắc đến bài thơ Ô Y Hạng trong Kim Lăng ngũ đề.
Kim Lăng ngũ đề - Ô Y hạng 金陵五題-烏衣巷
• Năm bài về Kim Lăng - Ngõ Ô Y
朱雀橋邊野草花,
烏衣巷口夕陽斜。
舊時王謝堂前燕,
飛入尋常百姓家。
Kim Lăng ngũ đề - Ô Y hạng
Chu Tước kiều biên dã thảo hoa,
Ô Y hạng khẩu tịch dương tà.
Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
Phi nhập tầm thường bách tính gia.
*
Bên cầu Chu Tước, cỏ dại đầy hoa,
Trong ngõ Ô Y mặt trời xế bóng.
Chim én nơi lâu đài họ Vương, họ Tạ ngày trước,
Nay bay vào những nhà dân chúng bình thường.
Dịch nghĩa bài thơ
Bên cầu Chu Tước đã từng là nơi phồn vinh tấp nập, nhưng bây giờ cỏ dại, hoa dại phủ kín khắp nơi.Trong ngõ Ô Y đã từng là nơi tụ cư của danh gia quý tộc, nay chỉ thấy buồn tẻ heo hắt theo ánh mặt trời lặn. Ngày có gia tộc họ Vương họ Tạ giàu có, thường có chim yến bay tới đậu trước tiền đường. Nay chim Yến hàng năm vẫn bay qua đây, nhưng chỉ ghé vào thăm những nhà bá tánh thường dân.
Bên cầu Chu Tước, cỏ dại đầy hoa,
Trong ngõ Ô Y mặt trời xế bóng.
Chim én nơi lâu đài họ Vương, họ Tạ ngày trước,
Nay bay vào những nhà dân chúng bình thường.
*
Sóng Việt Đàm Giang phỏng dịch:
Ngõ hẻm Ô Y
Bên cầu Chu Tước hoa trổ hoang
Ngõ cũ Ô Y nhuốm nắng vàng
Lầu Vương Tạ én xưa tụ đáp
Nay lại tạt ghé nhà dân làng.
SVĐG
June 30, 2022.
Ngõ Ô Y ở bên bờ nam sông Tần Hoài,
huyện Giang Ninh (Nam Kinh ngày nay), đời Tấn là nơi ở cũa những danh gia vọng
tộc. Vào thời đó, con cháu những nhà này thường mặc áo đen, từ đó có tên gọi
ngõ Ô Y.
Chu Tước kiều: cầu Chu Tước, bắc qua sông Tần Hoài, là nơi duy nhất kết nối phố thị với con hẻm Ô Y.
Bên cầu Chu Tước (lẽ ra rất phồn vinh tấp nập người qua kẻ lại, thì nay) cỏ hoang hoa dại phủ đầy, và ở đầu con hẻm Ô Y (không còn nườm nượp gia nhân ra vào như xưa, mà nay) chỉ thấy nắng chiều nghiêng nghiêng buồn bã. Những con én ngày xưa ríu rít trên rường nhà của Vương Đạo và Tạ An, nay đã bay hết ra nhà của thường dân rồi...
Giải nghĩa một số từ Hán-Việt:
Hạng: chỉ một con ngõ, hẻm
Ô Y hạng: là tên địa danh – hẻm Ô Y.
- Ô Y Hạng là con đường nhỏ (hẻm) ở phía nam sông Tần Hoài thuộc
thành phố Nam Kinh (Kim Lăng ngày trước), tỉnh Giang Tô. Thời Tam Quốc, là
nơi Đông Ngô từng lập doanh trại quân đội tại đấy, binh sĩ đều mặc áo đen nên
gọi ngõ hẻm đó mới có tên là Ô Y Hạng.
- Ô Y Hạng có từ thời Chiến
quốc, đầu tiên nó là nơi đội Cấm Quân Áo Đen
đóng binh, vì thế mà có tên là Ô Y (Ô y: Y phục màu đen). Đội quân này được huấn luyện
tại đây chuyên đục thủng thuyền của quân giặc. Một phần cũng vì đội quân đóng ở
bên bờ sông Tần Hoài, chiếu theo ngũ hành, thủy thuộc màu đen, vì thế họ chọn
trang phục màu này. Sau đó vào thời Đông Tấn, đây trở thành nơi ở của hai gia tộc
nhà họ Vương (Vương Đạo) và nhà họ Tạ (Tạ An). Người qua lại nườm nượp, vì thế
lúc ấy hẻm Ô Y rất nổi tiếng.
- Cũng theo cách giải
thích của người Tàu, vào thời Tấn, đây là nơi ở của hai danh gia vọng tộc
Vương Đạo, Tạ An. Con cháu những nhà này thường mặc áo đen, từ đó có tên gọi
ngõ Ô Y.
- Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh (trang 88), Ô
Y là tên gọi riêng của Chim Én . Nếu ta đối chiếu với
ý nghĩa trong bài thơ của Lưu Tích Vũ thì quả thật có thể hiểu theo hai nghĩa.
Chim yến là biểu tượng của xuân tới, của sự hạnh phúc ấm no. Theo tập
tính của loài chim này, chúng chỉ làm tổ trên những nhà có người ở, vì thế hình
ảnh chim yến ở đây bay về phía nhà thường dân ý muốn chỉ đến sự hoang vu, không
bóng người trong hẻm Ô Y.
Như vậy Ô Y Hạng có thể có hai nghĩa: Hẻm Áo
Đen và Hẻm Chim Én.
Và Ô Y cũng có thể có hai nghĩa là Áo
Đen; Chim Én
Chu Tước kiều: (Chu là Màu đỏ, Tước là Chim sẻ, Kiều là Cầu) là Cây cầu bắt ngang sông Tần Hoài qua Thành phố Nam Kinh đưa đến Ô Y Hạng, giữa cầu có lầu canh được trang trí bằng 2 con chim sẻ bằng đồng là kiến trúc của Tạ An xây nên.
Vương Tạ: chỉ hai người Vương Đạo và Tạ An.
*
Tác giả đã rất linh hoạt khi dùng hình ảnh của cỏ dại, hoa dại, cái nghiêng của nắng chiều sắp tắt và sự vắng lặng không một bóng chim để nhấn mạnh và gợi lên sự hoang tàn tiêu điều của một địa danh đã từng vang bong một thời.
Tác giả viết như đang đứng trước cảnh, nhìn sự việc, nhìn thời không chim yến, tự nhiên suy ra sự thịnh suy thời cuộc cùng cảm giác thương cảm. Đời như mộng, thịnh suy thay đổi, khởi lên trong lòng người một sự suy nghĩ về ý nghĩa sinh mệnh và vũ trụ.
No comments:
Post a Comment