Thursday, August 17, 2023

Tho Han Nguyen Du.BacHanhTapLuc I.1.TNDG Dien Dich_2004

 

Trịnh Nguyễn Ðàm Giang

Biên Soạn - Diễn Dịch Thơ 



Thơ Chữ Hán Nguyễn Du 
Bắc Hành Tạp Lục - Phần I



Qua Bắc Hành Tạp Lục - Phần II

Qua Bắc Hành Tạp Lục - Phần III

*****

Mục Lục

Lời Mở Đầu 
Sách Tham Khảo Chính 
Nguyễn Du: Tiểu Sử, Thân Thế, Văn Nghiệp 
Bắc Hành Tạp Lục- Phần I 
Bắc Hành Tạp Lục- Phần II 
Bắc Hành Tạp Lục- Phần III


*****

Lời Mở Đầu

 Bắc Hành Tạp Lục là một trong ba tập thơ gồm 249 bài viết bằng chữ Hán của thi hào Nguyễn Du, đó là Thanh HiênNam Trung, và Bắc HànhThanh Hiên Thi Tậpgồm 78 bài, Nam Trung Tạp Ngâm gồm 40 bài, và Bắc Hành Tạp Lục gồm 131 bài.

Bài biên khảo này gồm 60 bài thơ đầu (Phần I) của tập Bắc Hành Tạp Lục, đánh số theo thứ tự giống như những tài liệu tham khảo, bắt đầu từ bài số 119 đến bài 179.

Bắc Hành Tạp Lục ghi lại những địa danh, hình ảnh, nhân vật, cảnh vật, và hoàn cảnh mà Nguyễn Du đã quan sát, cùng những hoài niệm riêng tư cảm nhận trong hành trình sứ bộ sang Trung Hoa vào những năm 1813-1814 dưới triều Gia Long. Tập thơ nầy cho thấy ở Nguyễn Du một khả năng quan sát chi tiết trung thực, kiến thức thâm sâu về địa lý và lịch sử Trung Hoa cũng như một hệ thống suy tư đặc thù sâu sắc về nhân sinh 

 
Trong việc biên soạn tuyển tập này tác giả xin ghi nhận sự đóng góp của một số thân hữu. Tôi xin có lời cảm ơn Dược sĩ Lê Văn Nhân, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Dũng và Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức đã tặng thêm sách  tham khảo, và đặc biệt  là sự đóng góp then chốt của Tiến sĩ Thomas D. Lê đã giúp hoàn chỉnh bản thảo cùng trình bày kỹ thuật để mang bài viết lên mạng lưới vi tính.

Trịnh Nguyễn Đàm Giang – Sóng Việt 
2 November 2003 

*****

Sách Tham Khảo Chính

Truyện Cụ Nguyễn Du của Lê Thướ c- Phan Sĩ Bằng (1924)

Thơ chữ Hán Nguyễn Du của Bùi Kỷ, Phan Võ và Nguyễn Khắc Hanh (1959)

Thơ chữ Hán Nguyễn Du của Lê Thước -Trương Chính (1965)

192 bài thơ chữ Hán Nguyễn Du của Bùi Hạnh Cẩn (1996)

Nguyễn Du: Thơ Chữ Hán của Chi Ðiền Hoàng Duy Từ (1986)

249 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du của Duy Phi (2003)

Nguyễn Du: Tác Phẩm Và Lịch Sủ Văn Bản của Nguyễn Thạch Giang-Trương Chính (2000) 

 *****

Nguyễn Du: Tiểu Sử, Thân Thế, Văn Nghiệp

Nguyễn Du-Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn lạp hộ, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766 (tức là ngày 23 tháng 11 năm Ất dậu), (vì Nguyễn Du sinh cuối năm ta Ất Dậu, đầu năm tây 1766 nên hầu hết tài liệu đều viết như ông sinh năm 1765) dưới triều Lê Cảnh Hưng; người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ Tĩnh.

Cha là nhị giáp Tiến sĩ, Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, từng làm tới Tể Tướng triều Lê mạt; mẹ (Trần Thị Tần) là người vợ thứ ba, người Kinh Bắc; anh là Toản Quận Công Nguyễn Khản cũng làm tới Tham Tụng, Thái Bảo trong triều.

 Khi Nguyễn Du lên mười thì cha chết, 13 tuổi mẹ chết. Vào năm 1778, ông phải về ở với Nguyễn Khản, con bà vợ chính thất của bố. Được vài năm, Nguyễn Du trở về Tiên Điền ở với người chú họ Tiến sĩ Nguyễn Hành.

Cũng trong năm 1778, Nguyễn Ánh nổi dậy ở miền Nam xưng là Đại nguyên soái cố gắng thu phục lại giang sơn của ông cha.

Năm 1783, Nguyễn Du (18 tuổi) thi hương đậu Tam Trường. Vì lẽ gì không rõ, ông không tiếp tục thi lên nữa. Vào đời làm việc được cỡ 5 năm, vào năm 1789, sau khi Nguyễn Huệ kéo binh ra Bắc, đại thắng quân Thanh thì Nguyễn Du về quê vợ ở Thái Bình ngụ tại nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn. Trong thời gian này, một nhà văn thơ đàn anh của Nguyễn Du tên là Nguyễn Hữu Chỉnh phản Tây Sơn, bị tướng Tây Sơn là Vũ văn Nhậm cho xé xác phơi thây ở bốn cửa thành. Biến cố này đã lưu lại trong Nguyễn Du những dao động mạnh và có ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của Nguyễn Du.

Tập thơ chữ Hán Thanh Hiên Thi Tập gồm 78 bài làm trong giai đoạn 1786-1804, phần Mười năm gió bụi - 1786-1795, làm trong thời gian ông số ng ở Thái Bình, gồm 27 bài thơ (theo một số tài liệu) là tập thơ chữ Hán đầu tiên của Nguyễn Du. Sau đó là 6 năm ông trở lại nhà sống dưới chân núi Hồng lĩnh, và hai năm làm Tri huyện ở Bắc Hà.

Năm 1796: Nguyễn Du dự định vào Gia Định cộng tác với Chúa Nguyễn, âm mưu bị bại lộ, bị nhà Tây Sơn bắt giam ba tháng. "Có thể" Nguyễn Du đã thai nghénTruyện Kiều vào thời gian này. Năm nay Nguyễn Du đúng 30 tuổi. "Trải qua một cuộc biển dâu". (Một biển dâu = 30 năm).

Năm 1797: Nguyễn Du ẩn dật tại Tiên Điền.

Trải qua mười năm gió bụi ở Quỳnh Hải, 5 năm nghèo túng ở Hồng Lĩnh, không hợp tác với Tây Sơn, giữ vai Hồng Sơn liệp hộ (thợ săn) hay Nam Hải điếu đề (kẻ chài), đạm bạc rau dưa, Nguyễn Du như vẫn còn chờ thời.

Năm 1801: Nguyễn Ánh hạ thành Huế, qua năm sau 1802 lật đổ Tây Sơn Nguyễn Quang Toản, hạ thành Thăng Long thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế niên hiệu Gia Long, xuống chiếu mời các cựu thần nhà Lê trở lại làm quan. Nguyễn Du bắt đầu làm quan từ năm đó (1802).

Năm 1805: Vua Gia Long vời Nguyễn Du vào Phú Xuân thăng chức Đông Các điện học sĩ, ban tước Du Đức Hầu, "có thể" cùng năm này Nguyễn Du đã hoàn thành tác phẩm Truyện Kiều.

Năm 1813: Nguyễn Du được thăng Cần chánh đại học sĩ, đồng thời được cử làm Chánh sứ sang Tầu.

Sau khi về nước, năm 1815, ông được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri.

Đường công danh của Nguyễn Du với nhà Nguyễn chẳng có mấy trở ngại. Ông thăng chức nhanh và giữ chức trọng, song chẳng mấy khi vui, thường u uất bất đắc chí. Theo Đại Nam Liệt Truyện: "Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn, cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì...''

Nguyễn Du ra làm quan mà vẫn chán nản buồn rầu, chức lớn, nhưng Nguyễn Du vẫn không có hào hứng trong nhiệm vụ, ba lần xin về hưu, sáng tác nhiều bài thơ đầy chán nản, than thở. Phải chăng những biến cố lịch sử trong thời gian này đã làm cho Nguyên Du trở nên yếm thế?

Năm 1820: Vua Gia Long băng hà, Vua Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du được cử sang Trung Quốc lần thứ hai, nhưng chưa kịp đi thì bị bệnh mất vào ngày 16 tháng 9 năm 1820, hưởng thọ 54 tuổi.

Đại Nam Liệt Truyện viết: "Đến khi ốm nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói "được" rồi mất; không trối lại điều gì.''

Tác phẩm tiêu biểu: ngoài Truyện Kiều nổi tiếng ra, Nguyễn Du còn để lại Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, Văn Tế Sống Hai Cô Gái Trường Lưu, Thác Lời Trai Phường Nón bằng chữ Nôm, và ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm và Bắc Hành Tạp Lục. 



Bắc Hành Tạp Lục – Phần I

Xin nhắc lại ba tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Du là (1) Thanh Hiên Thi Tập gồm ba phần: Mười năm gió bụi, Dưới chân núi Hồng, và làm quan ở Bắc hà , (2) Nam Trung Tạp Ngâm , và (3) Bắc Hành Tạp Lục. Tập Thanh Hiên gồm 78 bài thơ, tập Nam Trung gồm 40 bài, và tập Bắc Hành gồm 131 bài. Số lượng thơ sáng tác chắc chắn còn nhiều hơn nữa, nhưng đến nay những vị văn thi sĩ lão thành để nhiệt tâm vào việc thu thập thơ chữ Hán của Nguyễn Du như nhóm của cụ Bùi Kỷ, nhóm cụ Lê Thước...chỉ thu thập được 249 bài.

Nguyễn Du cùng phái đoàn đi công sứ Trung Hoa, rời ải Nam Quan ngày 6 tháng 4 năm Quí Dậu (1813) , lên tới Bắc kinh, lưu du phần lớn bằng thuyền, rồi trở về nước tới ải Nam Quan ngày 29 tháng 3 năm Giáp Tuất (1814).

Theo tài liệu ghi chép và dựa theo những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du làm khi thăm viếng những di tích lịch sử Trung Hoa thì lộ trình của phái bộ Nguyễn Du như sau: Thăng Long, Nam Quan, Quảng Tây, Quế Lâm, Toàn Châu, Hồ Nam, Lôi Châu, Hành Dương, Giang Nam, Trường Sa, Tương Âm, Nhạc Dương, Hán Dương, Võ Xương, Hứa Đô, Nghiệp, Hàm Đan, Tấn Dương, Yên Kinh, Sơn Đông, Khúc Phụ, Tứ Thủy, Từ Châu, Hoài Nam, An Huy, Võ Xương, Lâm An (Hàng Châu), Quế Lâm, Quảng Tây, Nam Quan.

Theo một tài liệu khác thì lộ trình sứ bộ như sau:

Đường đi của sứ bộ Nguyễn Du (1813-1814)

 Nguyễn Du đi qua cửa Nam Quan ngày mồng 6 tháng 4 năm Quí Dậu (1813), đến Yên Kinh ngày 4 tháng 10 năm Quí Dậu (1813) và về qua Nam Quan ngày 29 tháng 3 năm Giáp Tuất (1814).

06-04 Quí Dậu : đi qua cửa Nam Quan (1813). 
08-04 Quí Dậu : đến Ninh Minh Châu. 
02-05 Quí Dậu : đến thành phủ Ngô Châu. 
18-07 Quí Dậu : đến Trường Sa, tỉnh lỵ Hồ Nam. 
30-07 Quí Dậu : đến Võ Xương, tỉnh lỵ Hồ Bắc. 
09-08 Quí Dậu : từ Hán Khẩu ra đi. 
22-08 Quí Dậu : ra khỏi địa phận huyện An Dương, tỉnh Hà Nam. 
04-10 Quí Dậu : đến Yên Kinh (1813). 
24-10 Quí Dậu : từ Yên Kinh khởi hành về nước (1813). 
02-11 Quí Dậu : qua tỉnh An Huy xuống Hồ Bắc. 
25-12 Quí Dậu : đến huyện Lâm Tương, tỉnh Hồ Nam. 
30-01 Giáp Tuất : đến huyện Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam. 
04-02 Giáp Tuất : đến Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây. 
29-03 Giáp Tuất : về qua Nam Quan (1814).

Bắc Hành Tạp Lục – Phần I

119  Long Thành Cầm Giả Ca 
120  Thăng Long I 
121  Thăng Long II 
122  Ngộ Gia Đệ Cựu Ca Cơ 
123  Quỉ Môn Quan 
124  Lạng Thành Đạo Trung 
125  Giáp Thành Mã Phục Ba Miếu 
126  Lưu Biệt Cựu Khế Hoàng 
127  Trấn Nam Quan 
128  Nam Quan Đạo Trung 
129  Mạc Phủ Tức Sự 
130  Minh Giang Chu Phát 
131  Hoàng Sào Binh Mã 
132  Ninh Minh Giang Chu Hành 
133  Vọng Quan Âm Miếu 
134  Tam Giang Khẩu Đường Dạ Bạc 
135  Thái Bình Thành Hạ Văn Xuy Địch 
136  Chu Hành Tức Sự 
137  Thái Bình Mại Ca Giả 
138  Sơn Ðường Dạ Bạc 
139  Đề Ðại Than Mã Phục Ba Miếu 
140  Vãn Há Đại Than, Tân Lạo Bạo Trướng, Chư Hiểm Câu Thất 
141  Há Than Hỉ Phú 
142  Thương Ngô Tức Sự 
143  Thương Ngô Mộ Vũ 
144  Ngũ Nguyệt Quan Cạnh Độ 
145-159 (15 bài)   Thương Ngô Trúc Chi Ca 
160  Dương Phi Cố Lý 

 161  Triệu Vũ Đế Cố Cảnh 
162  Bất Tiến Hành 
163  Tam Liệt Miếu 
164  Quế Lâm Cù Các Bộ 
165  Quế Lâm Công Quán 
166  Đề Vi, Lư Tập Hậu 
167  Quá Thiên Bình 
168  Vọng Tương Sơn Tự 
169  Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu Cố Trạch 
170  Tương Giang Dạ Bạc 
171  Tương Đàm Điếu Tam Lư Đại Phu I 
172  Tương Đàm Điếu Tam Lư Đại Phu II 
173  Phản Chiêu Hồn 
174  Biện Giả 
175  TrườngSa Giả Thái Phó 
176  Sơ Thu Cảm Hứng I 
177  Sơ Thu Cảm Hứng II 
178  Sở Vọng 
179  Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng Mộ

Bài Thơ Đầu Tiên Tập Thơ Bắc Hành Tạp Lục

Bài thơ đầu tiên trong tập Bắc Hành Tạp Lục là bài Long Thành Cầm Giả Ca.

Truyện Kiều theo tài liệu lưu trữ, đã được Nguyễn Du làm trong thời gian đi sứ. Nếu đúng như vậy thì câu chuyện trong bài thơ chữ Hán Long Thành Cầm Giả Ca này có lẽ là một trong những nguồn hứng để Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều.

Người Gảy Đàn Đất Long Thành (Làm trong khi đi sứ) 
Tiểu dẫn của Nguyễn Du 
Bản dịch nghĩa

Người gảy đàn đất Long Thành không rõ họ tên là gì. Nghe nói thuở nhỏ, nàng học đàn “Nguyễn” (đàn nguyệt ca do Nguyễn Hàm , người đời Tấn ở Trung Quốc chế ra) trong đội nữ nhạc ở cung vua Lê. Quân Tây Sơn kéo ra, các đội nhạc cũ người chết, kẻ bỏ đi. Nàng lưu lạc ở các chợ ôm đàn hát rong. Những bài nàng gãy đều là những khúc cung phụng gãy cho vua nghe, người ngoài không hề được biết, cho nên tài nghệ của nàng nổi tiếng hay nhất một thời.

Hồi còn trẻ (1792-1793?), tôi đến kinh đô thăm anh tôi (Nguyễn Nễ), ở trọ gần Giám hồ (hồ Gương). Cạnh đó các quan Tây Sơn mở cuộc hát lớn, con hát đẹp có đến vài chục người. Nàng nỗi tiếng nhờ ngón đàn Nguyễn. Nàng hát cũng hay và khéo nói khôi hài, mọi người say mê, đua nhau ban thưởng từng chén rượu lớn, nàng uống hết ngay, tiền thưởng nhiều vô kể, tiền và lụa chồng đầy mặt đất. Lúc ấy tôi nấp trong bóng tối, không thấy rõ lắm. Sau được gặp ở nhà anh tôi. Nàng người thấp, má bầu, trán giô, mặt gẫy, không đẹp lắm, nhưng mước da trắng trẻo, thân hình đẫy đà, khéo trang điểm, lông mày thanh, má đánh phấn, áo màu hồng, quần lụa cánh chả, có vẻ phong nhã. Nàng hay uống rượu, hay nói pha trò, con mắt long lanh, không coi ai ra gì. Khi ở nhà anh tôi mỗi lần uống rượu thì nàng uống say đến nỗi nôn bừa bãi, nằm lăn ra đất, các bạn có chê trách cũng không lấy làm điều.

Sau đó vài năm, tôi rời nhà về Nam (Thái Bình), mấy năm liền không trở lại Long Thành. Mùa Xuân năm nay (1813) tôi lại phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, đi qua Long Thành. Các bạn mở tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ, có gọi tất cả vài chục nữ nhạc, tôi đều không biết mặt biết tên. Chị em thay nhau múa hát. Rồi nghe một khúc đàn Nguyễn trong trẻo nổi lên, khác hẳn những khúc thường nghe, tôi lấy làm lạ, nhìn người gảy đàn thì thấy một chị gầy gò, vẻ tiều tụy, sắc mặt đen sạm, xấu như quỷ, áo quần mặc toàn vải thô bạc thếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi im lặng ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi. Tôi không biết nàng là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như đã quen biết, nên động lòng thương. Tiệc xong, hỏi thì chính là người trước kia đã gặp.

Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế! Tôi bồi hồi, không yên, ngửng lên cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay. Người ta trong cõi trăm năm, những sự vinh nhục buồn vui thật không lường được. Sau khi từ biệt trên đường đi, cảm thương vô hạn nên làm bài ca sau, để ghi lại mối cảm hứng.

Bài số 1 trong Bắc Hành Tạp Lục

119/249

(Số 119 trong 249 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du)

Long Thành Cầm Giả Ca

Long thành giai nhân 
Tính thị bất ký thanh 
Độc thiện Nguyễn cầm 
Cử thành chi nhân dĩ cầm danh 
Học đắc tiên triều cung trung cung phụng khúc 
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh.

Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến 
Giám hồ hồ biên dạ khai yến 
Kỳ thời tam thất chính phương niên, 
Hồng trang yểm ái đào hoa diện 
Đà nhan hám thái tối nghi nhân; 
Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến 
Hoãn như sơ phong độ tùng lâm, 
Thanh như song hạc minh tại âm 
Liệt như Tiến phúc bi đầu toái tích lịch (1)
Ai như Trang tích bệnh trung vi Việt ngâm (2)
Thính giả mĩ mĩ bất tri quyện 
Tiện thi Trung hòa đại nội âm. (3)

Tây sơn chư thần mãn toa tận khuynh đảo 
Triệt dạ truy hoan bất tri bão 
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu (4)

 Nê thổ kim tiền thù thảo thảo.

Hào hoa ý khí lăng vương hầu 
Ngũ lăng thiếu niên bất túc đạo (5)
Tính tương tam thập lục cung xuân 
Hoạt tố Trường An vô giá bảo. (6)

Thủ tịch hồi dầu nhị thập niên, 
Tây sơn bại hậu dư tam thiên (7)
Chỉ xích Long Thành bất phục kiến 
Hà luống thành trung ca vũ diên.

Tuyên phủ sứ quân vị dư trụng mãi tiếu (8)
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu 
Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa 
Nhan sấu thần khô hình lược tiểu 
Lang tạ tàn mi bất sức trang 
Thùy tri tựu thị đương thời thành trung đệ nhất diệu.

Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy 
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi, 
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự 
Giám hồ tịch trung tằng kiến chi 
Thành quách suy di nhân sự cải 
Kỷ xứ tang điền biến thương hải 
Tây sơn cơ nghiệp tận tiêu vong 
Ca vũ không di nhất nhân tại.

Thuần tức bách niên năng kỷ thì
Thương tâm vãng sự lệ triêm y 
Nam hà qui lai đầu tận bạch (9)
Quái để giai nhân nhan sắc suy.

Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng 
Khả liên đối diện bất tương tri.

Chú thích:

(1) Tiến Phúc bi: bia chùa Tiến Phúc ở Nhiêu Châu, tỉnh Giang Tây. Tương truyền ông Phạm Trọng Yên đời Tống, lúc làm quan ở Bá Dương, có người học trò nghèo dâng bài thơ hay, ông muốn giúp đỡ, cho rập một nghìn bản để bán lấy tiền. Chưa rập xong thì một đêm bản in bị sét đánh vỡ tan.

(2) Câu chuyện Trang Tích. Trang Tích là người nước Việt, làm quan nước Sở. Khi ông ốm, Sở Vương hỏi mọi người: "Tích là kẻ tầm thường ở đất Việt, nay làm quan nước Sở, được phú quý rồi, thì còn nhớ nước Việt nữa không?" Viên thị ngự đáp: "Phàm người ta có nhớ nước cũ hay không, thường tỏ ra trong lúc đau ốm. Nếu lúc này ông ta nói tiếng Việt tức là nhớ nước Việt, bằng không thì nói tiếng nước Sở." Sở Vương sai người lén nghe thì thấy Trang Tích nói tiếng Việt.

 (3) Trung Hòa: tên một điện của triều Lê ở Thăng Long.

(4) Triền đầu: lấy khăn quấn đầu làm vật tặng thưởng. Đời Đường trong yến tiệc vua đãi, ai đứng dậy múa được ban gấm để quấn đầu như vật tặng thưởng. Về sau các món tiền thưởng cho người ca múa được gọi là triền đầu.

(5) Ngũ Lăng: nơi có năm lăng tẩm của đế vương đời Hán, nơi này dân hào hoa phú quý thường ở. Bài Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị có câu: Ngũ Lăng niên thiếu tranh triền đầu.

(6) Trường An: chỉ Thăng Long.

(7) Sau khi Tây Sơn bại, tôi vào Nam, ý muốn nói sau năm 1802 nhà thơ vào Phú Xuân làm quan.

(8) Tuyên Phủ: chỉ quan trấn thủ Bắc Thành, vào lúc Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc mùa xuân 1813.

(9) Nam Hà: chỉ phía Nam sông Gianh.

Người Gảy Ðàn Ở Long Thành

 Người đẹp Long Thành 
Họ tên không được biết 
Riêng thạo đàn Nguyễn cầm 
Dân trong thành gọi nàng là cô Cầm 
Gãy khúc “Cung phụng” từ triều vua xưa 
Một khúc đàn hay tuyệt từ trời đưa xuống thế gian.

Nhớ hồi trẻ tôi đã gặp nàng một lần 
Bên hồ Giám trong một đêm yến tiệc 
Tuổi cô cỡ hai mươi mốt 
Áo hồng ánh lên khuôn mặt đẹp như hoa 
Rượu đậm thêm nét mặt ngây thơ khả ái 
Ngón tay lướt năm cung réo rắt 
Tiếng khoan như gió thổi qua rừng thông 
Thanh trong như đôi hạc kêu nơi xa xôi 
Mạnh như sét đánh tan bia Tiến phúc 
Sầu bi như Trang Tích lúc đau ốm ngâm rên tiếng Việt 
Người nghe nàng say sưa không biết mệt 
Trong khúc nhạc đại nội Trung Hoà.

Quan tướng nhà Tây say rượu nghiêng ngả 
Lo vui chơi suốt đêm không nghỉ 
Bên phải bên trái tranh nhau cho thưởng 
Tiền bạc coi thường có nghĩa chi.

Vẻ hào hoa hơn bậc vương hầu 
Giới trẻ nơi Ngũ Lăng không đáng kể 
Dường như ba mươi sáu cung xuân 

 Nay Tràng An đã hun đúc được một báu vật vô giá.

Trong đầu nhớ lại đã hai mươi năm 
Tây sơn thua bại, tôi vào Nam 
Long Thành gần mà cũng chẳng được thấy 
Còn nói chi đến chuyện múa hát trong thành.

Nay Tuyên phủ sứ bày cuộc vui đãi tôi 
Ca kỹ trẻ xinh cả một đám 
Chỉ có một kẻ tóc hoa râm ngồi cuối phòng 
Mặt xấu, sắc khô, người hơi nhỏ 
Mày phờ phạc không điểm phấn tô son 
Sao mà đoán được người này là đệ nhất danh ca một thời.

Điệu nhạc xưa làm ta thầm nhỏ lệ 
Lắng tai nghe lòng càng đau xót 
Tự nhiên nhớ lại hai mươi năm trước 
Bên hồ Giám trong dạ tiệc ta đã thấy nàng 
Thành quách đã chuyển, người cũng đổi thay 
Nương dâu trở thành biển cả đã nhiều 
Cơ nghiệp Tây sơn cũng đà tiêu tán 
Sót lại đây còn người múa ca.

Thấm thoắt trăm năm có là bao 
Cảm thương chuyện cũ dùng áo thấm nước mắt 
Ta từ Nam trở lại, đầu bạc trắng 
Trách làm sao được sắc đẹp cũng suy tàn.

Hai mắt trừng lên tưởng nhớ chuyện xưa 
Thương cho đối mặt mà chẳng nhìn nhận ra nhau.

120/249

Thăng Long I

Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng. (1) 
Bạch đầu (2) do đắc kiến Thăng Long. 
Thiên niên cự thất thành quan đạo, 
Nhất phiến tân thành một cố cung. 
Tương thức mỹ nhân khan bão tử, 
Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông. 
Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy, 
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.

Thăng Long I

Núi Tản sông Lô qua bao năm trời đều vẫn vậy, 
Bạc đầu nay lại thấy được Thăng Long. 
Những tòa nhà cũ nghìn xưa, nay đã trở thành đường đi,

                                              Một dải thành mới thay dấu cung điện cũ. 

Những người đẹp biết ngày xưa nay đều đèo bồng con trẻ, 
Bạn hào hiệp lúc trẻ cũng đều già cả. 
Suốt đêm khổ tâm nghĩ ngợi không ngủ được, 
Nghe tiếng sáo văng vẳng trong ánh trăng.

Chú thích:

(1) Thăng Long: Từ đời Lý, kinh đô Việt Nam đóng tại Thăng Long. Thăng Long nghĩa đen là rồng hiện lên. Đến đời Nguyễn, Gia Long đóng đô tại Huế, và đổi chữ Thăng Long là rồng hiện thành chữ Thăng Long là thịnh vượng. Nhưng trong văn thơ, cổ nhân vẫn viết chữ theo tên cũ Thăng Long là rồng hiện.

(2) Bạch đầu: Nguyễn Du mới ba mươi tuổi đã bạc đầu và dùng chữ này để nói về mình trong rất nhiều bài thơ trong Thanh Hiên Thi Tập và Nam Trung Tạp Ngâm . Nhưng chữ bạch đầu trong bài này nói về tuổi già. Nguyễn Du rời Thăng Long lúc nhà Lê mạt (1789), vua Lê chạy sang Trung Quốc, lúc ấy Nguyễn Du mới 25 tuổi. Đến khi Gia Long lên ngôi (1802) Nguyễn Du từ Hà Tĩnh ra Thăng Long làm quan. Lúc ấy Nguyễn Du 37 tuổi. Đến khi vâng mệnh đi sứ Trung Hoa (1813), Nguyễn Du đến Thăng Long một lần nữa. Bài thơ này làm lúc ra Thăng Long để sang Trung Quốc. Lúc đó Nguyễn Du đã gần ngũ tuần. Cho nên mới nói Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.

121/249

Thăng Long II

Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành, 
Do thị Thăng Long cựu đế kinh 
Cù hang tứ khai mê cựu tích 
Quản huyền nhất biến tạp tân thanh 
Thiên niên phú quý cung tranh đoạt 
Tảo tuế thân bằng bán tử sinh 
Thế sự phù trầm hưu thán tức 
Tư gia đầu bạch diệc tinh tinh.

Thăng Long II

Trăng thuở nào chiếu sáng khu thành mới 
Vẫn là một Thăng Long của ngày xưa 
Đường ngang đường dọc lạc cả lối 
Nghe tiếng sáo tiếng đàn cũng đượm âm thanh mới 
Ngàn năm bả phú quý vẫn là mồi tranh đoạt 
Bạn bè ngày trẻ nay kẻ sống người chết 
Cuộc đời lên xuống ngưng ca thán 
Thân ta thì mái tóc bạc lốm đốm mau.

122/249

Ngộ Gia Đệ Cựu Ca Cơ

Phồn hoa nhân vật loạn lai phi, 
Huyền hạc qui lai kỷ cá tri. (1) 
Hồng tụ tằng văn ca uyển chyển, (2) 
Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly, 
Phúc bồn dĩ hĩ nan thu thủy, 
Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti! 
Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử 
Khả liên do trước khứ thời y.

Gặp Người Hát Cũ Của Em Tôi

Nơi chốn thị thành gặp lại người sau thời loạn, 
Hạc đen ta nay trở về có ai hay đâu. 
Áo hồng đào hát giọng ca hay ngày trước, 
Đầu bạc nay gặp lại than khóc nỗi chia lìa. 
Chẳng thể vớt lại chậu nước đã đổ, 
Ngó sen tuy đứt, mà tơ vẫn còn vương. 
Nói chuyện biết lấy chồng khác có ba con, 
Thấy thương cho vẫn mặc chiếc áo ngày xưa.

Chú thích:

Người em ở đây có lẽ Nguyễn Du muốn nói về người em trai tên là Nguyễn Ức. Nguyễn Ức lúc bấy giờ đang làm thiềm sự bộ Công, tước hầu. Khi Nguyễn Du ghé Thăng Long trên đường đi sứ, gặp lại người bạn ca hát của người em.

(1) Chim hạc đen: Ý nói Nguyễn Du xa Thăng Long lâu ngày nay mới trở lại.

(2) Hồng tụ: ống tay áo mầu hồng, chỉ áo đào hát.

 

No comments: