Wednesday, July 18, 2012

Du Lịch Italy 02: Florence

Day 6

San Gimignano-Siena-Florence

Trên đường đi thì ghé San Gimignano rồi đến Siena.

Siena

Công trường chính của thành phố Siena, Piazza Del Campo, hàng năm có cuộc đua ngựa lừng danh Palio vào July và August. Thánh đường Catedrale di Santa Maria mặt tiền mang màu trắng đá cẩm thạch với nhiều trạm trổ điêu khắc. Đường phố Siena chật hẹp, lót đá, lên xuống dốc. Từ trên coi nhìn xuống thấy công trường Piazza Del Campo hình cong như vỏ sò nằm ngay dưới thung lũng., chung quanh là những phố cao, xây bằng gạch đỏ.

Rồi đi thăm một nhà trồng nho và nếm thử rượu.

Vì bị trúng thực tối hôm trước nên tôi không thể thăm viếng nhiều trong ngày thăm viếng Siena và nhà trồng nho, nhưng quang cảnh thì đẹp vô cùng.

Khi đến hotel ở Florence thì tôi bỏ ăn tối và ngủ một mạch suốt từ 7:00PM đến 6:00AM. Nhờ vậy mà lại sức và đi chơi khắp Florence ngày hôm sau.

Day 7
Florence (Firenze)

Thời tiết là một yếu tố quan trọng vì thăm viếng Florence hầu như phải đi bộ, và cũng rất may là chúng tôi có một ngày khá đẹp. Nơi thăm viếng đầu tiên là Accademia (Galleria dell’Accademia) để xem triển lãm tác phẩm của Michelangelo. Qua cổng chính là Galleria dei Prigioni, một hành lang dài và rộng trưng bày bốn tác phẩm chưa hoàn tất của Michelangelo gồm Awakening Giant, Bearded Slave, Young slave, và Prisoner (Atlas?). Tôi đã dành một số thời gian để chiêm ngưỡng những tác phẩm dang dở này của Michelangelo. Cái điểm tuyệt diệu của những tác phẩm chưa hoàn tất này là càng nhìn càng thấy như là những người đang bị giam hãm trong khối đá cẩm thạch khổng lồ này hình như đang tìm cách thoát ra khỏi khối đá qua bàn tay điêu khắc nhiệm mầu của Michelangelo (thí dụ như chân dợm bước, cánh tay vươn ra khỏi tượng...). Hình dung sự thoát dạng này mới thấy tài năng tiềm ẩn của Michelangelo mạnh và đẹp biết bao. Những tác phẩm này đã không hoàn tất vì vị Giáo Hoàng đã ký hợp đồng với Michelangelo để tạc tượng (Pope Julius II) đã chết khi tượng đang làm dở dang, và sau đó vì quá bận nên Michelangelo đã không tiếp tục nữa.
Ngoài những phòng chứa tác phẩm của Michelangelo ra cũng có phòng chứa những tác phẩm hội họa của Boticelli và Lippi. Bức tượng nguyên thủy nổi tiếng “The Rape of the Sabine Women” của Giambologna trong bộ sưu tầm của gia đình Medici có mặt ở đây (bản sao của bức tượng này nằm tại Loggia dei Lanzi ở một góc của Piazza delle Signoria). Cuối hành lang là kiệt tác David.
Tác phẩm điêu khắc David của Michelangelo, phải mất hơn ba năm mới hoàn tất (1500-04), là một điêu khắc thời Phục hưng, và là một trong hai tuyệt tác của ông cùng với tác phẩm Pietà. Đây là một bức tượng đã được cả thế giới công nhận là một điển hình cho cái đẹp, sức lực và tráng kiện của con người. Tượng cao 5.16 m khắc vua David vào lúc mà David quyết định đấu với Goliath.

Mặc dù Leonardo da Vinci và nhiều người khác được nhắc đến nhưng Michelangelo là người cuối cùng được nhận vinh dự tạc tượng David. Tượng tạc David trước khi đấu với Goliath nên những nét suy nghĩ thể hiện hằn trên mặt, và những mạch máu nổi trên tay phải cùng và ở trong cái thế vặn người như nói lên cho mọi người biết là David đã sẵn sàng để chiến đấu. Những cái đẹp trong một thân thể khỏe mạnh được thể hiện thật tài tình, cơ thể học với từng bắp thịt, từng mạch máu cho thấy Michelangelo đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng trước khi tạc tượng.
Bức tượng có một sự bàn cãi liên quan đến tôn giáo khi David được tạc như một người đàn ông không cắt bao quy đầu, trong khi Vua David ở trong lịch sử là người có bao quy đầu được cắt bỏ. Những ý kiến trái ngược bàn cãi như đây có lẽ không phải là tạc vua David, hoặc như Michelangelo là người tôn thờ thần cổ Hy lạp và đã không chịu tạc một tác phẩm tượng trưng có sự cắt xẻo phản thiên nhiên. Bỏ ngoài những thắc mắc liên quan đến tôn giáo, tượng David là một hoàn hảo hiếm có khó có ai bì được.
Đây cũng là một nơi mà sinh viên hội họa đến học tập nhiều nhất, chung quanh và phía trên bức tượng có gắn một hệ thống ánh sáng và máy móc quy mô. Bên cạnh tượng có một màn ảnh chiếu digital David, khi ta dùng lòng bàn tay lăn trên một quả bán cầu, chọn lựa từng phần của bức tượng, thì có thể điều khiển được những góc cạnh ánh sáng chiếu lên một màn ảnh những điểm khác nhau của bức tượng như phần đầu, phần vai trái, phần tay phải v.v...

Tượng David nguyên thủy lúc đầu để ngoài công trường (Piazza) della Signoria nhưng sau một thời gian đã được chuyển vào trong Accademia để tránh bị hư hại. Và tại Piazza della Signoria, một bản sao tượng David bằng đá cẩm thạch cùng một kích thuớc đã được thay thế vào đó.
Từ Accademia thì chúng tôi được dẫn theo đường (Via) Ricasoli sang coi Duomo của Đại Giáo Đường Santa Maria del Fiore, nhà rửa tội Baptistero, và tòa tháp Campanile.
Đại giáo đường Santa Maria del Fiore là công trình của Brunelleschi, phía ngoài xây bằng đá xanh, và trắng rất mỹ thuật, phải đi vòng chung quanh nhà thờ mới ngắm được hết cái cấu trúc tinh xảo và tuyệt mỹ của nó. Bên trong thánh đường rộng mênh mông nhưng trống trải vì hầu hết những tác phẩm trong đó đã được di chuyển sang Museo dell’ Opera del Duomo, nằm phía cuối đông của nhà Duomo. Từ trong nhà thờ chúng ta có thể đi xuống hầm để coi một phần của nhà thờ cổ đã đuợc các nhà khảo cổ đào lên vào những năm 1960 và là nơi có đặt mộ của nhà kiến trúc Filippo Brunelleschi, người đã vẽ nhà Duomo. Chúng ta có thể vào leo 463 bước của nhà vòm có mái đỏ để nhìn thành phố từ trên cao xuống.

Trong Museo dell’Opera Del Duomo có trưng bày những tác phẩm nguyên thủy để tránh những hư hại do bởi ô nhiễm ngoài không khí và bụi bậm ngoài công trường. Tuyệt tác ở đây phải kể “The Gate of Paradise” của Ghiberti, ngoài ra còn có một bức the Pietà khác của Michelangelo (Pietà-Florence) tạc dang dở khi ông đã 80 tuổi, bức này vì lý do không rõ rệt đã bị chính Michelangelo đập phá hủy một phần, sau đó đã được hoàn tất bởi hai nhà điêu khắc học trò của Michelangelo..

Bức “Cánh cửa Thiên Đàng” là cánh cửa nguyên thủy do Ghiberti làm cho cánh cửa phía tây làm bằng đồng của nhà Baptistery. Hoàn tất vào năm 1452. nó gồm có 10 panels tả câu chuyện Kinh thánh, đuợc khắc sâu và có hoạt cảnh phía sau rất chi tiết, và đã đuợc coi như điển hình cho lối khắc thời Phục hưng.

Ngay bên cạnh nhà thờ Duomo là tòa tháp chuông Campanile của Giotto cao 85m (267 ft), khởi công xây cất vào năm 1337 bằng đá xanh, trắng và hồng. Tháp đi lên cao gồm 414 bậc và cho nhìn đuợc toàn thể Florence và những ngọn đồi thơ mộng quanh đó.

Đối diện với nhà vòm Duomo là tòa Baptistery, đây là một nhà rửa tôi hình tám góc, xây bằng đá xanh và trắng. Nó có ba bộ cánh cửa bằng đồng nổi tiếng: cửa phía nam của Andrea Pisano, cửa phía đông và phía bắc là của Lorenzo Ghiberti. Bức “The Gate of Paradise” ở đối diện mặt tiền của Duomo là bản sao, bản chính đã nằm trong Museo dell’Opera del Duomo như đã viết ở trên.
Ở cách nhà thờ Santa Maria del Fiore vài con đường là Piazza della Signoria.

Công trường nổi tiếng Piazza della Signoria và dinh thự Palazzo Vecchio là nơi lúc nào cũng đông nghẹt du khách.

Palazzo Vecchio được xây từ thế kỷ thứ 13 và 14 và đã được tu bổ và xây thêm vào thế kỷ thứ 15 và 16. Ngay cửa vào dinh Vecchio, ở bên phải của cửa là một bản sao của tượng David (thay thế cho tác phẩm nguyên thủy được mang vào Accademia vào năm 1873), bên trái là tượng “Hercules and Cacus” của Bandinelli.

Ở một góc của Palazzo Vecchio là bồn phun nước khổng lồ của Ammanati (1575), với thần Neptune quay mặt nhìn về David. Xa hơn một chút nữa là tượng đồng của Giambologna khắc hình Cosimo cưỡi ngựa sau khi chiến thắng người Siena..

Ngay xế đối diện với cửa vào Palazzo Vecchio là tòa đình Loggia dei Lanzi hay còn được gọi là Loggia Della Signoria, một nơi ngày xưa được dùng để hội họp và tổ chức nghi lễ cỗ truyền. Nơi này từ thế kỷ 18 được dùng như một bảo tàng không có cửa trưng bày một số tác phẩm và bản sao điêu khắc nổi tiếng. Nhìn lên từ ngoài vào ở bên trái có tượng đồng Perseus của Cellini, đang nắm đầu Medusa vừa chặt, gần đó là tượng bản sao “Sự cưỡng bắt phụ nữ Sabine” của Giambologna, “Judith and Holofemes” của Donatello, “Hecules chiến đầu với đầu người mình ngựa Centaur Nessus” của Giambologna, “Cưỡng đoạt Polyxema” của Fedi, “Menelaus đang đỡ thân Patroclus” tạc phỏng theo nguyên tác của tượng Hy-Lạp...
Ghi chú - Lần đầu tiên nhìn thấy bức tượng mang tên “Cưỡng đoạt phụ nữ Sabine” (The Rape of the Sabine Women) tôi đã thấy rất có ấn tượng. Bức tượng cho thấy người đàn ông đang ôm và nâng cao một người thiếu nữ. Một người đàn ông thứ hai trong thế nửa ngồi, nửa dợm đứng, ngửng lên với cánh tay đưa lên ngang tầm mắt. Toàn diện tác phẩm là một hòa hợp tuyệt mỹ có một không hai trong nghệ thuật, điêu khắc. Bức tượng điêu khắc từ một khối đá cẩm thạch duy nhất, nhìn chiều nào cũng thấy toàn mỹ, đã được mệnh danh là tượng có hình dạng cuốn xoắn như rắn. Giambologne tên thật là Jean de Boulogne, gốc người Pháp, sang Ý học điêu khắc, có việc làm ở Ý nên ở lại và đổi thành tên Ý.

Sự cưỡng bắt phụ nữ Sabine” ở đây là một chuyện đã được ghi chép bởi những sử gia La-mã từ ngày xưa. Chữ rape dịch từ chữ latin rapere có nghĩa là cưỡng đoạt, chiếm đoạt hay bắt cóc.

Theo nhà viết sử La-mã nổi tiếng Livy (Titus Livius, sinh cỡ 59/64 BC ở Patavium, Venetia, Italy, chết năm 17AD tại Patavium) đã ghi trong cuốn Lịch sử thành Rome thì Romulus, sau khi đã gây dựng thành phố cùng có một số quân lính đáng kể thì rất quan tâm về chuyện thiếu đàn bà để làm vợ cho dân chúng của ông. Sau nhiều lần tìm cách hỏi vợ cho dân mình từ những gia đình ở các bộ lạc hay thành phố khác không thành công thì Romulus đã bày mưu để cưỡng đọạt phụ nữ bộ lạc Sabine dưới quyền lãnh đạo của Titus Tatius. Sự cưỡng đoạt này là một tính toán và đã được thực hiện nghiêm nhặt. Những phụ nữ bị bắt cóc này đã được Romulus đối xử rất phân minh, và được cho hưởng nhiều quyến lợi như dân sự và tài sản khi làm vợ dân thành Rome. Romulus là một tướng tài, một nhà vua rất kỷ luật (kỷ luật đến nỗi em ruột Romulus là Remus vì phạm luật do Romulus đặt ra mà đã bị Romulus chém chết ngay). Lẽ đương nhiên là Titus giận giữ và gây chiến với Romulus. Việc chiến tranh sau cùng đã kết thúc bởi chính những người đàn bà Sabine vợ của người Roman nay đã sinh con và thích ứng với đời sống mới, cầu khẩn xin Titus giải hòa.

(Titus Livius.The History of Rome. Translated by Rev. Canon Roberts. Everyman's Library. London: J.M. Dent and Sons, 1912).

Câu chuyện cưỡng đoạt phụ nữ Sabine đã được nhiều họa sĩ chú ý đến và là đề tài cho tranh vẽ, đáng kể nhất là bức họa của Nicolas Poussin (1637-38) để ở viện bảo tàng Louvre-France, của Peter Paul Rubens (1635-40) ở tại National Gallery-London, hai bức tranh này minh họa cảnh cưỡng bắt. Nổi tiếng nhất là bức tranh của Jacques-Louis David “Sự can thiệp của phụ nữ Sabine-1799” trưng tại Louvre- France minh họa cảnh vợ Romulus (Hersilia, con gái lãnh tụ Titus Tatius của Sabine) đứng dang tay ngăn cản chồng và bố đánh nhau, ở trên mặt đất có trẻ em nằm, bò lổn ngổn. Bức tranh này người viết đã được chiêm ngưỡng khi thăm viếng Paris vào năm 2000. Hiện nay vẫn có nhiều buổi hội họp văn hóa hay thuộc trường đại học mở cuộc bàn luận xoay quanh chuyện bức tượng Sabine này, nhưng đó không phải là đề tài cho ghi chú ở đây.

Chung quang công trường Piazza della Signoria có rất nhiều tiệm bán đồ da và nữ trang. Nói đến nữ trang thì phải nhắc đến Ponte Vecchio, một cây cầu cũ và là nơi có bán nữ trang đủ loại, nhiều tiệm hẹp đến nỗi du khách không có chỗ mà bước vào. Ponte Vecchio cũng cho ta thấy cảnh đẹp trên sông Arno. Đây là cây cầu cũ nhất và được tu bổ cùng xây cất lại vài thế kỷ 16 với những căn nhà nho nhỏ bán đồ nữ trang. Trong đệ nhị thế chiến cầu Vecchio là cầu duy nhất được Hitler ra lệnh cho giữ lại không cho bỏ bom phá hủy.
Đến thăm Florence mà không nói đến Uffizi Gallery thì là một thiếu sót trầm trọng. Tòa nhà trưng bày nghệ thuật này rất rộng, chiếm suốt chiều dài từ công trường della Signoria đến tận sông Arno. Gallery Uffizi, ngày xưa thuộc gia đình Medici, có một sưu tập lớn của nghệ thuật thời Phục hưng, và là một nơi trưng bày nhiều tác phẩm nổi tiếng của những nghệ sĩ đại tài như Leonardo Da Vinci (Annuciation, Adoration of the Magi), Michelangelo (The Holy Family), Botticelli (Primavera và rất nổi tiếng là The Birth of Venus), Raphael (Madonna of the Godfinch), Giotto (Maestà), và Titan (Venus of Urbino).

Đi thăm viếng Florence một ngày chỉ đủ được một phần của Florence.
Sau một ngày thăm viếng không ngưng không nghỉ, chúng tôi được đưa trở về khách sạn để rồi tối đến thì đi ăn cơm kiểu Tuscany.

Ban du lịch tổ chức cũng khá, đã chọn đúng lúc mặt trời lặn để đưa chúng tôi theo một con đường ngoằn nghèo lên Piazzale Micheangelo trên đỉnh đồi. Công trường Michelangelo có bức tượng David nằm giữa trên một bệ cao, có nhiều chỗ đậu xe chung quanh. Đứng tại lan can từ công trường trên đỉnh đồi, du khách có được cái nhìn bao quát được cả thành phố Florence. Nghe nhạc cổ điển Ý trên xe bus, ngắm mặt trời lặn trên đỉnh đồi, trong cái lạnh gió thổi rì rào, nhìn thành phố bắt đầu nhuộm ánh nắng chiều trên mái vòm giáo đuờng, với toà tháp cao vút ngạo nghễ ở dưới, cảm giác thật tuyệt vời không bút nào tả xiết.
Bữa ăn chiều tại một tiệm ăn với toàn món ăn sửa soạn theo lối nấu Tuscany đã kết thúc một ngày tuyệt đẹp ở Florence. Ồ! lại đúng ngày St Patrick (March 17) nên tiệm ăn lại có ly rượu màu xanh chào đón mọi người đến ăn tối.

Trong bữa tiệc, có nhiều ca sĩ giúp vui, có người nam ca sĩ hát nhạc Ý cổ điển giọng tenor mạnh như Luciano Pavarotti, có cô ca sĩ trẻ đẹp hát bài Torna a Surriento (Come back to Sorrento) giọng cao vút truyền cảm như Cristina Fontanelli.
Bài hát nổi tiếng Torna a Surriento có một lịch sử hơi lạ vì bài hát này đã làm để tặng một vị Thủ tướng đương thời. Vào tháng September năm 1902, Thủ tướng Giuseppe Zanardelli làm một chuyến công du và tư du thăm viếng thành phố Sorrento. Ông ta ở trọ tại một tòa nhà có một họa sĩ vẽ trang trí tên Giambattista De Curtis đang làm việc ở đó. Điều kiện sinh sống tại Sorrento vào thời đó thật tồi tệ. Đường phố không được nối liền với nhau, nhà cửa hư nát, dịch vụ cống rãnh thành phố không hiện hữu. Để Zanardelli chú ý và làm một chút gì đó giúp Sorrento, Giambattista đã viết cấp tốc lời bài nhạc trong vài tiếng đồng hồ và người anh (hay em) tên Ernesto De Curtis đã soạn nhạc cho bài Torna A Surriento để tặng vị Thủ tướng này trước khi ông rời Sorrento. Họ cầu mong ông trở lại và thưởng thức những cái đẹp của thành phố sau khi (với hy vọng) thành phố được sửa chữa trong tương lai. Bài hát nguyên thủy sau đó được hoàn chỉnh lại.

Sóng Việt Đàm Giang

No comments: