Saturday, March 1, 2014

Một Loài Hoa Mang Tên Sưa. Sóng Việt Đàm Giang



Một Loài Hoa Mang Tên Sưa
Sóng Việt Đàm Giang

 Vào thời gian chuyển mùa vào tháng ba có nhiều loại cây đang trơ trụi cành, chưa có một nụ hoa hay lá xanh nho nhỏ bỗng một ngày toàn cây có hoa nở rộ hoặc trắng muốt hoặc hồng đỏ. Ở  nhiều bang trên đất Mỹ, hoa redbud (họ Fabaceae) trắng hay hồng đỏ bắt đầu nở từng chùm.  Loài redbud này có thể mang nhiều tên Việt khác nhau, đã được gọi là cây hoa hồng đào miền Đông (Cercis Canadensis), hồng đào miền Tây (Cercis occidentalis), và một loại ở  Âu châu và vùng tây nam Á châu  mang tên là cây hoa Judas (Cercis siliquastrum). Cây hoa redbud mang tên Judas đã được cho rằng vì đó là cây mà Judas Iscariot đã treo cổ tự tử sau khi phản bội Chúa, nhưng cũng có thể đơn thuần là cây này có rất nhiều ở bộ lạc Judea/Judah, Israel từ ngày xưa.
 
Riêng ở Việt Nam, nhất là trên miền Bắc, có một loài cây có hoa trắng nho nhỏ nở rộ trong những ngày đầu tháng ba, hoa nở trước khi ra lá. Đó là cây hoa Sưa.
Có lẽ hoa Sưa tại miền Bắc và đặc biệt là tại Hà nội trước đây ít người chú ý ngoài những người thích xem hoa, chụp hình và ngắm cảnh. Nhưng  trong vòng gần mười năm trở lại, sau khi rất nhiều cây sưa ở nhiều thành phố kể cà Hà Nội bị chặt trộm thì người ta mới chú ý đến cây hoa sưa này nhiều hơn.

Cây Sưa
Sưa là tên gọi chung của ít nhất là hai loại sưa: sưa trắng và sưa có lõi đỏ. Loại sưa lõi đỏ là loại sưa mà gỗ trong ruột cây có mầu nâu đỏ và được sắp loại vào loại câycó gỗ  hiếm quý được dùng để đóng bàn ghế, làm đồ trang sức và nhiều công dụng khác. Và loại này là loại mà những kẻ gian manh tâm chặt. Với những kẻ tinh mắt thì biết được cây nào là cây sưa trắng hay sưa có lõi đỏ, nhưng những kẻ không có kinh nghiệm thì đã có trường hợp cây chặt/cưa đổ xuống thì không có lõi đỏ nên họ bỏ đi, vứt cây nằm ngổng ngang trên đường phố. Đưới đây là hình ảnh một số cây sưa đỏ bị chặt/cưa trộm tại Hà nội và một vài tỉnh Bắc phần, kẻ gian lấy mất phần thân chính có lõi đỏ, có cây bị thẻo, vạt cả mảng.
Bùi ngùi giận kẻ ham tiền bạc
Lòng tham vô đáy chặt rụng cây  


 
Phân biệt Sưa trắng và Sưa (lõi) đỏ
Vì tên Việt gọi cây không đồng nhất nên khi nói đến cây hoa thì tốt nhất là kèm theo tên khoa học/tên latin của cây. Những cây có tên khoa học là những cây có tên trong danh sách thực vật của Vườn Thảo mộc Hoàng gia Anh, phần cuối của mỗi loài thường là tên người đã tìm ra và đặt tên cho cây. Thí dụ Millettia ichtyochtona Drake thì Drake là tên của Emmanuella Drake del Castillo (1855-1904) nhà thảo mộc đã tả rõ và ghi lại trong sách Thảo mộc loài cây này.

Cây sưa trắng.
Sưa trắng thuộc chi Thàn mát (Millettia) họ Cánh bướm/Đậu (Papilionaceae/Fabaceae),  có hoa trắng đẹp thường được gọi là cây thàn mát. Thàn mát sưa trắng còn được gọi là cây duốc cá, thuốc cá với tên khoa học là millettia ichtyochtona Drake (ichtyo bắt nguồn từ chữ Hy lạp ikhthus/fish). Và vì chất rotenon, sapotoxin trong hạt của cây có thể làm cá say thuốc ngộ độc nên cây này được mang tên cây duốc cá. Ngoài ra cây còn mang nhiều tên khác như mác bát, hột mát, thãn mút (Theo sách Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi).
Cây thàn mát là một loài cây gỗ nhỏ, cao khoảng 10-15m . Thân cây có vỏ nhẵn, mỏng, màu nâu nhạt. Cành nhánh dài, mềm mại, khi non có nhiều vảy nhỏ màu trắng. Lá kép lông chim mọc đối, hình xoan đỉnh nhọn. Lá rụng hết vào mùa đông, ra hoa vào mùa xuân, ở những cây non, cây vừa nảy lộc vừa đơm hoa, nhưng ở những cây trưởng thành, sau khi ra hoa mới ra lá nên cho cây mang một màu trắng toát lúc có hoa. Hoa mọc thành hoa tự ở nách lá, dày đặc, màu trắng, kiểu hoa đậu. Quả dạng đậu, thuôn nhọn đầu, dẹt giống như con dao mã tấu lưỡi rộng; trong quả chứa một hạt.
Vì hoa trắng cây sưa đẹp nên đã được trồng để làm đẹp và tạo bóng mát ở Hà nội. Cây có trồng nhiều ở miền Bắc, thích hợp nơi đất ẩm ven sông, vì hạt phát tán theo giòng nước nên có thể tìm thấy ở ven bờ sông các vùng đồng bằng.

 

Sưa trắng thàn mát có thân nhẵn nâu nhạt, lá kép lông chịm mọc đối, hoa trắng từng chùm, quả đơn, dạng đậu.

Sưa đỏ (Sưa Bắc bộ, sưa Trắc thối)
Sưa đỏ có nhiều tên khác nhau như sưa Bắc bộ, trắc thối, huê mộc vàng, tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain, thân gỗ, họ Đậu Fabaceae. Darlbergia là chi Trắc (hay chi Sưa, chi Cẩm lai), tonkinensis là tên đặt theo vùng (Bắc bộ), Prain (1857-1944) là tên nhà thảo mộc đã ghi chép lại cây hoa khi nhận biết nó và ghi lại vào trong sách lần đầu tiên. Điểm đáng chú ý là cùng một chi nhưng có ba tên gọi khác nhau tùy theo vùng. Cây trắc này mang tên là Trắc Nam bộ hay Cẩm lai (Dalbergia  cochinchinensis Pierre) ở trong Nam, và Trắc Trung bộ (Dalbergia annamensis) và Sưa đỏ hay Trắc Bắc bộ (Dalbergia tonkinensis Prain). Hoa nhỏ giống cánh bướm  họ Papilionaceae (Papilionaceae/Fabaceae).
 
Sưa đỏ thân nâu sù xì, lá kép lông chim mọc so le, hoa trắng chùm nhỏ, quả kết chùm
Là cây gỗ cỡ trung bình vỏ màu xám nhạt, lá thường xanh có thể cao tới 10–15 m, thân màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Lá dài 9–20 cm; số lá chét 5-9,  lá kép lông chim mọc cách/so le với  lá chét tận cùng thường là to nhất, hình trứng hay hơi thuôn dài, nhẵn, có lông mịn lơ thơ khi non, nhanh chóng chuyển thành không lông, gốc lá chét tròn, nhọn mũi.
Hoa tự dạng chùy, mọc ở nách lá, khoảng 5–15 cm. Hoa trắng có đài hợp, thơm. Quả dạng quả đậu hình trứng dẹt thuôn dài, dài 5–6 cm, rộng khoảng 1 cm và chứa 1-2 hạt dạng bầu dục. Quả thường cả chùm, khi chín không tự nứt. Hoa ra tháng 2-4. Trái từ tháng 9 đến 11. Gỗ trắc cho mùi thơm thoảng như hương trầm, Phần lõi/ruột gỗ trắc này màu đỏ hơi nâu, thớ chéo, mạch vòng, thuộc loại gỗ nặng, bền và quý đẹp. Gỗ này dùng trong đóng đồ dùng trong nhà hay vật dụng trang hoàng. Thời trước gỗ này đặc biệt dùng để đóng đồ nội thất trong cung đình. Gỗ khi đốt có mùi khó ngửi nên đã được gọi là trắc thối.

Phân biệt sưa trắng (Thàn mát) với sưa lõi đỏ (Trắc thối)

*Sưa trắng chi Thàn mát Millettia và Sưa đỏ chi Trắc Dalbergia. Cả hai đều thuộc họ Cánh bướm/họ Đậu (Papilionaceae/Fabaceae).Sưa trắng mang tên thàn mát, mác bát, hột mát, duốc cá, thãn mút. Tên khoa học Millettia ichtyohtona Drake.
 Sưa đỏ mang tên Trắc thối, trắc bắc bộ, huỳnh đàn lõi đỏ, Trắc/cẩm lai Trung bộ hay Trắc/cẩm lai Nam bộ. Tên khoa học có thể là Dalbergia tonkinensis Prain (trắc Bắc bộ), Dalbergia annamensis (cẩm lai Trung bộ), Dalbergia cochinchinensis Pierre (cẩm lai Nam bộ) hay Dalbergia boniana Gagnep.

*Thân sưa trắng màu nâu nhạt, nhẵn. Thân sưa đỏ sần sùi, xù xì nứt nẻ

*Lá sưa trắng mọc đối xứng. Lá sưa đỏ mọc so le

*Sưa trắng cho hoa lớn hơn nếu so với hoa sưa đỏ hoa nhỏ hơn.

*Quả sưa trắng đơn, to, đốt không có mùi. Quả sưa đỏ kết chùm, đốt có mùi khó ngửi.

Sưa Trắng (Thàn Mát)
Trắng muốt hoa sưa đẹp tựa tranh
Tưng bừng nở rộ khắp Hà thành
Đường xưa gốc nhỏ chồi vừa nhú
Phố cũ cây già ngọn chớm xanh
Lá đối quả to thân nhẵn nhụi
Hoa chùm cánh nhỏ cọng thanh thanh
Than thầm hoa đẹp mau tàn thế
Chẳng khỏi nao lòng phận mỏng manh
Đàm Giang
Sưa Đỏ (Trắc Thối)

Trắc thối huỳnh đàn họ Đậu đây
Loài sưa Bắc bộ chính tên này
Hoa chùm xúm xít đầu cành hiện
Lá cách so le mởn xanh  bày
Khả ái già cao cùng sát cánh
Khiêm nhường nhỏ thấp cũng chen vai
Hà thành bát ngát đầy hoa trắng
Có được dăm ngày rụng hết ngay
Đàm Giang



Sóng Việt Đàm Giang
01 March 2014

Ghi chú.
Bài viết Cây Sưa, Hoa Sưa, Gỗ Sưa. Sóng Việt Đàm Giang tại link:
Tài liệu và hình ảnh thu thập trên internet từ Wikipedia và nhiều trang nhà khác nhau.


1 comment:

Unknown said...

Cây sưa có giá trị cao, làm đồ nội thất rất được ưa chuộng . Tuy nhiên, cần có bảo tồn bên cạnh việc khai thác.
……………………….
Quốc Duy
Bán máy bào gỗ đã qua sử dụng tốt nhất tại TPHCM