Saturday, August 12, 2017
Ai Cập 3. Alexandria. Egypt. Sóng Việt Đàm Giang
Egypt: Alexandria
Ai Cập
Sóng Việt Đàm Giang
Hành trình thăm viếng Ai Cập của chúng tôi được theo lộ trình: máy bay từ các nơi (Anh, Pháp, Mỹ, Canada…) bay đến Cairo, thăm viếng Cairo năm ngày, trong thời gian này, có một ngày vào buổi sáng sớm chúng tôi đáp tàu điện đến Alexandria, thăm viếng Alexandria, đến chiều đi tàu điện trở về Cairo. Sau Cairo, chúng tôi lên máy bay, bay thẳng xuống Aswan. Tới phi trường Aswan là có xe bus đưa chúng tôi thăm viếng vùng Aswan (đập cao Aswan), đi thuyền buồm máy felucca vòng quan thăm các đảo, rồi tất cả lên du thuyền River Anuket của hãng du lịch, có dành một buổi sáng ngay ngày hôm sau bay đến thăm Abu Simbel, đi du thuyền thăm Philae gần Aswan rồi theo du thuyền đi trên sông Nile đổ lên hướng bắc thăm viếng tất cả những đền đài nằm dọc theo sông Nile như Kom Ombo, Edfu, Esna (qua lock trên song Nile), Valleys of Kings, Dendera, cho đến trạm chót là Luxor thăm đền Karnak và đền Luxor. Từ Luxor chúng tôi lại dùng máy bay nội địa trở lại Cairo ở lại một ngày chót trước khi đáp máy bay trở về nhà. Lộ trình như thế là: USA-Cairo-Alexandira-Cairo-Aswan (Abu Simbel)-Kom Ombo-Edfu-Esna-Luxor-Cairo-USA.
Phần bài viết này nói về Alexandria
Hạ Ai Cập : Cairo, Alexandria
Alexandria
Alexandria nằm về phía tây châu thổ sông Nile, giữa hồ Mareotis và đảo Pharos. Một con đường nối liền thành phố với đảo Pharos, làm thành phố rộng thêm, và cũng chia bến cảng Alexandria thành hai bến đông và tây.
Alexandria với dân số 4,1 triệu, là thành phố lớn thứ nhì của Ai Cập, và là hải cảng lớn nhất xứ này, là nơi khoảng 80% hàng xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước phải đi qua.
Thành phố Alexandria dài khoảng 32 km (20 miles) dọc theo bờ Địa Trung Hải. Thành phố này là một trung tâm kỹ nghệ lớn nhờ có khí đốt và ống dẫn dầu đến từ kênh Suez. Alexandria cũng là một trung tâm thương mại quan trọng giữa châu Ân và châu Á, nhờ vị trí gần kênh Suez.
Năm 334 TCN, vua xứ Macedonia là Alexandros III (sau đó nổi tiếng với danh hiệu Đại đế Alexander) thống lĩnh liên quân Macedonia –Hy lạp xâm lăng đế quốc Ba Tư (Persia). Cuối năm 332 TCN Alexander the Great chiếm được Ai cập từ Ba Tư. Và triều đại Macedonia ra đời. Năm 331 TCN Alexander ra lệnh xây một thành phố mới, mang tên ông “Alexandria”, tại địa điểm của một thành phố xưa, đã có từ thời các Pharoah, là thành Rhakotis. Vì vậy, người Copt, con cháu của người Ai Cập nguyên thủy, vẫn gọi Alexandria là Rakota.
Trong thời gian đầu, người ta thường gọi Alexandria Ai Cập vì Alexander the Great đã ra lệnh xây rất nhiều thành phố mang tên ông. Đại đế Alexander qua đời năm 323 TCN. Sau Alexander thì có Philip Arrhidacus rồi Alexander IV cầm quyền trong một thời gian ngắn từ 323 đến 305. Rồi Ptolemy, một trong 6 hộ vệ viên, và là một trong những tướng lãnh thân cận của Alexander hùng cứ Ai Cập và lập triều đại Plotemy, lấy Alexandria làm thủ đô. Triều đại Ptolemy kéo dài 275 năm, từ 305 BC như một độc lập Ai cập cho đến khi Rome chiếm cứ Alexandria vào năm 30BC. Triều đại Ptolemy đã xây cho Alexandria khu văn hóa, thư viện, ngọn hải đăng, lăng Đại đế Alexander và nhiều kiến trúc khác. Dân số Alexandria lên đến 1 triệu người vào khoảng năm 230 TCN và được coi là thành phố đông dân nhất thế giới mà người Âu biết được lúc bấy giờ.
Tất cả đàn ông trị vì Ai Cập trong thời kỳ này đều mang danh Ptolemy từ Ptolemy I dến Ptolemy XV. Vợ Ptolemy, một số chính là chị/em của chồng họ đều mang danh là Cleopatra, Arsinoe, hay Berenice. Cleopatra nổi tiếng nhật trong dòng Cleopatra là hoàng hậu cuối cùng Cleopatra VII. Cleopatra VII, một người đàn bà Hy lạp Macedonia có học, được sử sách nhắc đến rất nhiều trong vai trò của bà trong những chiến trận La mã giữa Julius Caesar và Pompey, rồi sau đó là giữa Octavian và Marck Antony. Julius Caesar và Antony dùng sự giàu có của Egypt để phục vụ tham vọng đế quốc của họ và Cleopatra dùng quân đội họ để bảo đảm trị vì của bà. Cleopatra VII trị vì Alexandria từ năm 69 đến 30 BC. Cleopatra có một con trai với Julius Caesar (tên là Caesarion/Ptolemy XV) và ba con với Mark Antony. Sự tự vẫn của Cleopatra thứ bẩy sau khi La mã chiếm Alexandria ghi sự kết thúc của triều đại Ptolemy cai quản Ai Cập (305-30 BC).
Sau thời kỳ Plolemy là thời đại La mã. Ai Cập bị La Mã chiếm năm 30 TCN, và Alexandria trở thành thủ phủ của tỉnh Ai Cập trong đế quốc La Mã. Năm 115 (SCN), có nội chiến giữa người Hy Lạp và Do Thái, khiến Alexandria bị tàn phá. Hoàng đế La Mã là Hadrian ra lệnh cho xây lại thành phố. Ngày 21 tháng 7 năm 365, Alexandria bị sóng thần tàn phá (Thiệt hại nhất là vụ động đất năm 365 SCN tại đảo Crete).
Vào cuối năm 641, Ả Rập ký hoà ước tiếp thu Alexandria từ đế quốc Đông La Mã (Byzantine). Từ đó Alexandria nằm trong vùng kiểm soát của người Ả Rập. Quân Pháp của Napoleon chiếm Alexandria ngày 2 tháng 7 năm 1798. Quân Anh bao vây gần 6 tháng và chiếm Alexandria ngày 2 tháng 9 năm 1801. Tiếp theo đó Muhammad Ali của đế quốc Ottoman dựng lên một nước Ai Cập tự trị. Muhammad Ali có công xây lại thành phố khoảng năm 1810 và đến năm 1850 thì Alexandria đã có được nét huy hoàng của thời cổ xưa. Từ năm 1869, khi kênh Suez được khánh thành, Alexandria lại trở thành trung tâm buôn bán quan trọng nhất Ai Cập, với nhiều sắc dân nước ngoài đến định cư như người Hy Lạp, người Ý, người Pháp.
Đồn Qayt Bay
Ở cổng vào bến cảng đông, đồn này được xây vào thập niên 1480. Đồn ở ngay vị trí của ngọn hải đăng Alexandria ngày trước. Ngọn hải đăng vốn bị động đất phá hủy khoảng năm 1100. Xây theo kiểu trung cổ, đồn Qayt Bey đã được hoàn toàn tái thiết năm 2001/2002; bên trong có viện bảo tàng Hải quân, trưng bày nhiều cổ vật của những trận hải chiến thời La Mã và thời Napoleon. Bên cạnh đồn có viện thủy sinh học nuôi rất nhiều giống cá hiếm.
Nhà hát thời La mã Kom-el-Dick
Nhà hát nằm trong khu vườn du ngoạn thời nhà Ptolemy, có khoảng 800 chỗ ngồi, gồm 13 hàng ghế bằng đá hoa trắng. Những hàng cột làm bằng đá hoa màu lục, đem từ Tiểu Á sang, và đá hoa màu đỏ đem từ Aswan ở miền nam Ai cập. Bên cạnh nhà hát còn có những mái vòm và tường bằng đá, các nhà tắm La Mã làm bằng gạch và phế tích của những căn nhà thời La Mã.
Ngay cạnh nhà hát này là một viện bảo tàng lộ thiên, để trưng bày những khảo cổ dưới lòng biển đem lên được từ thềm lục địa Alexandria. Đáng chú ý nhất là những tượng nhân sư, cột trụ obelisk, và nhiều mảnh của những pho tượng khổng lồ.
Viện bảo tàng châu báu hoàng gia
Nằm trong một cung điện của vua Farouk ngày trước, viện bảo tàng này quy tụ nhiều đồ trang sức và báu vật đã thuộc về gia đình nhà Muhammad Ali (1805 - 1952). Đặc biệt nhất là những bàn cờ của vua có cẩn nhiều đá quý và vương miện có 1506 viên kim cương của hoàng hậu Farida.
Viện bảo tàng quốc gia Alexandria
Trưng bày các cổ vật xuất xứ từ tất cả các thời đại của lịch sử Ai Cập. Dưới hầm là một tầng dành cho những cổ vật thời các pharaohs.
Dinh Farouk hay El Montanza và vườn thượng uyển của Montanza
Montaza Palace Dinh Montanza rất lộng lẫy, xây từ năm 1892 do Khedive Abbas II ra lệnh, nằm trên một cao nguyên thấp ở phía đông của trung Alexandria nhìn ra biển Địa Trung Hải và thuộc nhà Mohammad Ali cho đến thời kỳ chót năm 1952 của vua Farouk. Dinh là một hỗn hợp giữa cấu trúc Thổ nhĩ kỳ và Florentine. Cái tower của dinh làm bắt chước toà Palazzo Vecchio ở Florence. Dinh không mở cửa cho thăm viếng nhưng cạnh đó có vườn Montanza và bãi biển rất đẹp. Sau cách mạng Ai Cập năm 1952, dinh Montanza và cung Salamek bên cạnh đuợc chính quyền dùng làm nơi đón khách của tổng thống Ai Cập.
Thư viện Alexandria
Thư viện Hoàng gia Alexandria ở thành phố Alexandria (Ai Cập) là thư viện công cộng nổi tiếng nhất thời cổ đại, được thành lập ngay bên bờ Địa Trung Hải từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, dưới thời Hoàng đế Ptolemy II. Thư viện này nằm trong một quần thể kiến trúc rộng lớn, bao gồm bảo tàng, đài quan sát thiên văn, thảo cầm viên và các phòng họp.
Trung tâm nghiên cứu và thư viện Alexandria mới mở cửa từ năm 2002, nằm ở cảng phía Nam của Alexandria với bức tường đá granite của vùng Aswan bao bên ngoài, khắc đầy chữ theo dạng cổ ký tự của 120 bản thảo. Thư viện Alexandria chứa hơn 8 triệu cuốn sách, với nhiều phòng đọc sách chứa được đến 2000 người đọc, 3 viện bảo tàng, 5 viện nghiên cứu, và nhiều phòng triển lãm. Thư viện cao 11 tầng với 7 tầng phòng đọc sách, 4 tầng nằm dưới mực nước biển. Phòng đọc chính nằm dưới một mái nhà ốp kính cao 32m, nghiêng về biển như một đồng hồ tròn, có đường kính cỡ 160 m. Trong viện bảo tàng có triển lãm hàng ngàn tài liệu viết tay, trong đó có 2 quyển Kinh thánh do toà thánh Vatican biếu tặng.
Ngoài ra còn có một bản sao phiến đá Rosetta, tài liệu đã giúp nhà khảo cổ Jean-Francois Champollion giải mã được văn tự Cổ Ai Cập.
Phiến đá Rosetta là một tấm bia đá lớn thời cổ đại Ai cập có khắc sắc lệnh ban hành ở Memphis vào năm 196 TCN nhân danh vua Ptolemy V trị vì thời đó. Trên tấm bia đá này có ghi khắc ba loạic chữ theo thứ tự từ trên xuống dưới là chữ tượng hình Ai cập cổ đại (hieroglyphic), chữ ký tự demotic, và chữ Hy lạp cổ đại. Nguồn gốc tấm đá chưa đuợc biết rõ rệt, nhưng vào giai đọan người ta tìm thấy tấm bia đá này là tại pháo đài Julien, mà người ta cho rằng nó đã đuợc dung như một vật liệu xây dựng. Năm 1799 một người lính Pháp tên Pierre-Francois Bouchard thuộc đoàn quân viễn chinh Pháp đã phát hiện nó tại pháo đài kể trên, một pháo đài trong khu Delta nằm gần thành phố Rashid (Rosetta) và vì thế mà phiến đá này đuợc mang tên phiến đá Rosetta. Phần demotic và Hy lạp ghi công ơn vua pharaoh Ai cập đã thực hiện cho những nhà tu và dân chúng Ai cập. Phần hieroglyphic là phần hắc búa nhất, rất nhiều nhà ngôn ngữ đã tìm cách phân tích và giải mã chữ tượng hình Ai cập hàng trăm năm nhưng đều thất bại. Phải đến năm 1822, Jean-Francois Champollion căn cứ vào bộ chữ trên tấm đá Rosetta mới giải mã được hầu như toàn bộ chữ tượng hình Ai cập.
Sóng Việt Đàm Giang
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment