Wednesday, October 7, 2020

PaLais De Chaillot. Paris. France. SVDG

 

Cung Điện Chaillot

Paris, France

Sóng Việt Đàm Giang biên soạn.

 

                           Cung điện Chaillot (Palais de Chaillot) nhìn từ lầu ba tháp Eiffel.

  Cung điện hay Dinh Chaillot đầu tiên mang tên Dinh Trocadero (Palais du Trocadéro). Toà nhà đầu tiên được cất lên trên đỉnh đồi Chaillot vào năm 1878 cho Phiên Chợ Quốc tế 1878. Dinh gồm hai cánh và hai tòa tháp nối liên nhau bằng một cung hành lang đồ sộ. Kiến trúc cấu kỳ theo phong cách Moorish (kiến trúc Islam) và Byzantine. Nhìn xuống trước mặt là một bồn nước lớn trong một khoảng không gian rộng.

 

        Palaid du Trocadéro (1878-1936)

 Đến năm 1937 sau khi Pháp nhận lời làm Phiên chợ Quốc tế thì Dinh được xây cất lại, và hoàn chỉnh cho hợp thời hơn qua tài biến hóa của ba kiến trúc sư Louis-Hippolyte Boileau, Jacques Carlu và Léon Azéma, và mang tên Cung điện/Dinh Chaillot (Palais de Chaillot). Tòa hành lang nối liền hai cánh được phá bỏ, hai toà tháp theo kiến trúc Hồi giáo cũng phá hủy, chỉ còn hai toà nhà là kiến trúc duy nhất được giữ lại, kiến trúc hai bên hình vòng cung hoàn toàn độc lập với nhau, và giữa hai toà nhà này là một sàn (esplanade) rộng có thể nhìn thẳng tới toà tháp Eiffel.

  Đứng từ tầng 3 của tháp Eiffel, ta có thể thấy toàn thể  khu vực này kiến trúc theo một đường thẳng được bắt đầu từ Trường Quân sự (Ecole Militaire), qua bãi cỏ lớn Champ de Mars tới tháp Eiffel nằm bên cạnh sông Seine, qua cầu Iéna tới đài phun nước Varsovie trong vườn Trocadéro, rồi đến Palais de Chaillot và tận cùng là công trường Trocadéro.

Bên toà nhà bên phải nếu nhìn từ tháp Eiffel phía trước có tượng Apollo. Toà nhà bên trái có tượng Hercules. Trên sân thượng mang tên  “Quyền của Người” có tám bức tượng do tám nhà điêu khắc khác nhau thực hiện.

 

                                               Đồ án Trocadero  1878-1936                  

                                                              Chaillot 1937-2018

 Hiện nay Dinh Chaillot là nơi hiện diện của nhiều viện bảo tàng.

Cánh phía bên trái  (Passy wing) nhìn từ tháp Eiffel lên là Bảo tàng Hàng hải (Naval Museum), nơi chứa di tích tầu thuyền, dụng cụ liên quan đến biển cả của vua Louis XV, và Bảo tàng Nhân chủng (The Museum of Man).

 

Mặt tiền của cánh bên trái này ngay đằng trước có tượng Hercules và con Bò rừng (tác phẩm của Albert Pommier), phía trên tòa nhà có ghi hàng chữ trên tấm tường cong:

 TOUT ° HOMME ° CRÉE ° SANS ° LE ° SAVOIR

COMME ° IL ° RESPIRE

MAIS ° L’ARTIST ° SE ° SENT ° CRÉER

SON ° ACT ° ENGAGE ° TOUT° SON ÊTRE

SA ° PEINE ° BIEN- AIMÉE ° LE  ° FORTIFIE

Con người tạo ra mà không biết

Như khi ta thở

Nhưng người nghệ sĩ có ý thức sáng tạo được

Hành động của họ thu hút tất cả con người họ

Sự nhọc nhằn  đáng yêu của họ cho họ sức mạnh



Bảo tàng Nhân chủng, một bảo tàng nhân học, đã nỗ lực để trở thành một bảo tàng có thể  xác định nhân loại theo nhiều cách khác nhau. Nó mở cửa trở lại vào tháng 10 năm 2015 sau khi đã bị đóng cửa sáu năm trước đó. Một phần chọn lựa của bộ sưu tập được chuyển đến bảo tàng mới hơn tại Quai Branly nhưng Bảo tàng Nhân chủng vẫn được coi như là một trong những viện bảo tàng nhân chủng học quan trọng nhất trên thế giới.

  Mặt phía Bảo tàng Nhân chủng nhìn ra công trường Trocadero phía trên có gắn hàng chữ:

 

CHOSES ° RARES ° OU ° CHOSES ° BELLES
ICI
° SAVAMMENT ° ASSEMBLÉES
INSTRUISENT
°  L'ŒIL ° À ° REGARDER
COMME
°  JAMAIS ° ENCORE ° VUES
TOUTES
° CHOSES ° QUI ° SONT ° AU ° MONDE

 

Những điều hiếm hoi hoặc những điều đẹp đẽ

Ở đây được lắp ráp khéo léo

Hướng dẫn mắt nhìn

Như chưa bao giờ còn thấy

Tất cả mọi thứ trên thế giới

 

Cánh bên phải  (Paris wing) nhìn từ tòa tháp Eiffel tới có trưng tượng Apollo với cây đàn lyre (tác phẩm của Henri Bouchard), bên trên bức tường cong của toà  nhà có ghi hàng chữ:

 

IL° DÉPEND ° DE ° CELUI ° QUI ° PASSE

QUE ° JE ° SOIS ° TOMBE ° OU ° TRÉSOR

QUE ° JE ° PARLE ° OU ° ME ° TAISE

CECI ° NE ° TIENT ° QU‘A ° TOI

AMI ° N‘ENTRE ° PAS ° SANS ° DÉSIR

 

Điều đó phụ thuộc vào những người đi ngang qua cửa

Cho dù tôi là một ngôi mộ hay kho báu

Cho dù tôi nói hay im lặng

Sự lựa chọn là của bạn một mình

Bạn, chớ vào nếu không khao khát

 


 Và mặt cửa nhìn ra công trường Trocadero cánh Paris  nơi có bảo tàng Thành phố của Kiến trúc và Di sản (Cité de l'Architecture et du Patrimoine) thì có khắc trên tường hàng chữ:

 

DANS °  CES  ° MURS ° VOUÉS  ° AUX  ° MERVEILLES
J'ACCUEILLE 
° ET ° GARDE ° LES  ° OUVRAGES
DE
° LA  ° MAIN °  PRODIGIEUSE  ° DE °  L'ARTISTE
ÉGALE
° ET  ° RIVALE  ° DE °  SA  ° PENSÉE.
L'UNE
°  N'EST °  RIEN ° SANS °  L'AUTRE

 

Trong những bức tường này dành riêng cho kỳ diệu

Tôi hoan nghênh và gìn giữ những tác phẩm

Từ bàn tay phi thường của nghệ sĩ

Bình đẳng và đối thủ với nhau trong tư tưởng

Một chẳng có nghĩanếu không có cái kia

 

Bảo tàng Thành phố Kiến trúc và Di sản (Architecture and Heritage City), mở cửa từ năm 2007, chứa 
kiến trúc Pháp từ thời Trung cổ đến hiện đại; cạnh đó là Bảo tàng Quốc gia những Đài tưởng niệm của
 Pháp (National Museum of French Monuments). 

Cánh này đi xuống Nhà Hát nghệ thuật Quốc gia Chaillot (The Théâtre National de Chaillot) nằm ở  phía dưới sàn đi dạo phía trên (esplanade). Nhà hát với 1,200 chỗ ngồi là trung tâm văn hóa của Paris thời hậu chiến thế giới II (WWII), và hiện nay vẫn là nơi có trình diễn hòa nhạc và kịch nghệ.

 Gần bên Dinh Chaillot,  còn có  Cinéaqua, một trung tâm Aquarium có bể nuôi cá với 43 bồn chứa nước với cỡ 10,000 vừa cá vừa động vật không xương sống.

 Cũng trong Palais de Chaillot, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (United Nations General Assembly) đã thông qua Bản tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights)  vào ngày 10 tháng 12 năm 1948. Một tảng đá đã được đặt nơi này để đánh dấu kỷ niệm sự kiện này. Và lối đi dạo trên sân vuông giữa hai cánh được gọi là  Lối đi dạo của Nhân quyền /hành lang nhân quyền (Esplanade  of Human Rights). Cung điện Chaillot cũng là trụ sở ban đầu của NATO. (NATO là tên tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương /North Atlantic Treaty Organization).

 Tưởng cũng nên nhắc  Dinh Challot cũng đã từng là nơi có mặt của Trung Tâm lưu trữ phim  điện ảnh Pháp (Cinémathèque Française ) một thời gian từ năm 1963 đến 1970s với ông Henri-Langlois là người đồng sáng lập với hai nhà làm phim ảnh Pháp Georges Franju và Jean Mitry.

Henri-Langlois là người dã gắn bó cả cuộc đời với Trung tâm lưu trữ phim điện ảnh Pháp này. Hiện nay Cinémathèque Française  nằm tại 51 đường Bercy, quận 12. Trung tâm lưu giữ điện ảnh này dự trữ, phục hồi và phổ biến các di sản điện ảnh. Với số lượng 10 cuộn phim năm 1936 lên tới 60,000 phim vào thời điểm những năm 1970s cùng hàng triệu tài liệu liên quan đến điện ảnh. Đây là một trong những trung tâm lưu trữ lớn nhất trong ngành nghệ thuật thứ  Bẩy.

Vườn Trocadéro

 Ở phía chân của vườn sân Dinh Chaillot có vườn Trocadero. Vườn Trocadero rộng mười  mẫu tây trang trí rất đẹp với nhiều tượng điêu khắc, trong số đó có các tác phẩm của Paul Belmondo, Marcel Gimond. Một bộ tác phẩm điêu khắc của Raymond Delamarre và Carlo Sarrabezolles cũng được đặt tại tại nơi đây. Chính giữa và ngay trước dinh, có đài phun nước Varsovie, hình chữ nhật, được xây dựng từ 1937 gồm 20 vòi phun xếp thành 8 bậc nối nhau . Những vòi phun nước của hồ lớn nhất Paris này khi phun nước và ban đêm đèn được thắp sáng tạo nên một cảnh đẹp tuyệt vời.


                                        

                                                 Vườn Trocadero và cánh trái Passy            

    Đài phun nước Varsovie  tại Vườn Trocadero

 Những đoản thơ của Paul Valéry.  Paul Valéry với trọn tên rất dài Ambroise-Paul-Toussaint-Jules Valéry (1871-1945) là một nhà thơ, nhà văn, triết gia, giáo sư dạy Thi ca học tại College de France. Ông viết nhiều tiểu luận về nghệ thuật, lịch sử, âm nhạc và cả thời sự. Sau  khi được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp năm 1925, ông thường phát biểu trước công chúng tại các nước châu Âu, ông cũng có thời làm đại diện về văn hóa của Pháp tại tổ chức quốc tế Hội Quốc Liên (League of Nations)

 Khi các kiến trúc sư cộng tác làm việc tân kỳ hóa dinh Trocadero để sửa soạn cho Hội chợ quốc tế năm 1937, thì họ có yêu cầu ông Valéry viết cho bốn đoản thơ với đòi hỏi chặt chẽ như  mỗi đoản thơ chỉ gồm có năm hàng, không được quá ba mươi bẩy chữ trong một bài. Và năm hàng chữ này sẽ được khắc vào đá trên một tòa nhà công cộng chứa một bảo tàng và một nhà hát, để tất cả đều có thể đọc được.

 IL° DEPEND ° DE ° CELUI ° QUI ° PASSE

QUE ° JE ° SOIS ° TOMBE ° OU ° TRESOR

QUE ° JE ° PARLE ° OU ° ME ° TAISE

CECI ° NE ° TIENT ° QU‘A ° TOI

AMI ° N‘ENTRE ° PAS ° SANS ° DESIR

*

TOUT  ° HOMME  ° CRÉE  ° SANS ° LE  ° SAVOIR

COMME  ° IL ° RESPIRE

MAIS ° L’ARTIST °  SE ° SENT ° CRÉER

SON ° ACT °  ENGAGE  ° TOUT ° SON ° ÊTRE

SA ° PEINE  ° BIEN-AIMÉE ° LE  ° FORTIFIE

*

DANS °  CES  ° MURS ° VOUÉS  ° AUX  ° MERVEILLES
J'ACCUEILLE 
° ET ° GARDE ° LES  ° OUVRAGES
DE
° LA  ° MAIN °  PRODIGIEUSE  ° DE °  L'ARTISTE
ÉGALE
° ET  ° RIVALE  ° DE °  SA  ° PENSÉE.
L'UNE
°  N'EST °  RIEN ° SANS °  L'AUTRE

*

CHOSES ° RARES °  OU ° CHOSES ° BELLES
ICI
° SAVAMMENT ° ASSEMBLÉES
INSTRUISENT
°  L'ŒIL ° À ° REGARDER
COMME
°  JAMAIS ° ENCORE ° VUES
TOUTES
° CHOSES ° QUI ° SONT ° AU ° MONDE

 

Những đoản thơ nổi tiếng của Paul Valery này, một cách mạnh mẽ, đã tạo một dụng ý trọng tâm rằng nghệ thuật không phải là một thực hành máy móc đơn thuần mà là một biểu hiện cao đẹp của nguồn cảm hứng sáng tạo. Sự thay đổi ngôn ngữ và khái niệm từ "bàn tay" sang "cách thức" và từ "con đường" thành "phong cách" nhấn mạnh tầm quan trọng của các vấn đề mang tính biểu tượng và suy cứu kỹ lưỡng. Bàn tay của người nghệ sĩ dần dần trở thành biểu tượng của sự sáng tạo nghệ thuật.

Như đã viết phía trên, thơ Paul Valéry đã được lựa chọn cho bốn bản chữ khắc mỗi bản gồm 5 hàng thơ, sau khi ông được công nhận như một tác giả tham khảo sau bản văn năm 1919 của ông về tương lai của nền văn minh; bốn bản thơ này được ủy nhiệm bởi ủy ban của triển lãm toàn cầu và được thực hiện bằng một phông chữ Peignot, một phông phát minh bởi A.M. Cassandre đặc biệt cho Peignot. Bốn câu thơ này gợi chú ý đáng kể về chức năng thẩm mỹ cho cung điện, cùng với ẩn ý là sự cống hiến, một cách rất trân trọng.

Một bức tượng bán thân của ông Paul Valéry được đặt trong vườn Trocadero bên cánh tả, phía tây (Passy). Khi Paul Valéry qua đời vào cuối tháng 7 năm 1945, Quốc táng chính thức của Pháp đã được thực hiện cho tang lễ của ông.


Dù không theo vần điệu và những hàng thơ của ông thật phức tạp nhưng rõ ràng, cần sự chú ý của người đọc, tất cả từng chữ đều cần được cân nhắc và tìm hiểu.

Qua ý của những câu thơ, ông cho ta biết một toà nhà tự nó trực tiếp chào đón người qua lại, với lời hứa sẽ làm phong phú tư tưởng cho những ai có sự được sự bí mật của quan sát, sự bí mật đó là lòng khao khát, mong muốn. Toà nhà này chứa đựng những công trình sáng tạo của nghệ sĩ bởi vì họ hơn ai hết, biết được họ muốn thực hiện điều gì. Sự rất ý thức của họ làm cho hành động của họ trở nên toàn diện hơn và tạo cho họ một sự sáng suốt vừa thâm thúy vừa an ủi.

Các tác phẩm nằm trong những bức tường của tòa nhà này đều thoát ra từ  cơ quan tuyệt vời nhất là tay
 người nghệ sĩ; cùng với dụng cụ, và suy nghĩ của chính họ. Những cơ quan  như tai, mắt, mồm thì nghe,
 nhìn, và đối đầu với thế giới, nhưng chỉ có bàn tay mới có sáng tạo. Sự hiếm hoi và đẹp đẽ do bàn tay
 tạo ra cho chúng ta nhìn mọi thứ trong thế giới tươi đẹp hơn.
                                                     Bàn tay của Chúa của Rodin .

“Bàn tay của Chúa”: tác phẩm của Rodin với một bàn tay phải lớn, xuất hiện từ một tảng đá
cẩm thạch còn thô, cầm một cục đất trong đó có hai hình dạng người đang vùng vẫy tay chân
 quyện vào nhau, Adam và Eve. Bàn tay của Đấng sáng tạo nguyên thủy cũng là bàn tay của người
 điêu khắc.
 Và như thế: một tác phẩm nghệ thuật kêu gọi và cần sự chú ý của người thưởng lãm đến chính

 nó thì mới có thể thoát tiết ra cái hay cái đẹp của tác phẩm đó được.

 

Sóng Việt Đàm Giang

October 07, 2020

 

https://en.wikipedia.org/wiki/Trocad%C3%A9ro#Palais_du_Trocad%C3%A9ro

https://en.wikipedia.org/wiki/Palais_de_Chaillot


No comments: