Sunday, June 30, 2013

Nhà Thờ Đức Bà tại Paris, Pháp




Nhà Thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris), France
Sóng Việt Đàm Giang biên soạn


   
  
 Nhà thờ Đức Bà tại Paris, Pháp quốc, là một trong những nhà thờ nổi tiếng trên toàn thế giới. Lịch sử nhà thờ được ghi lại rất nhiều trên cả trăm ngàn trang điện tử qua nhiều thứ tiếng. Qua nhiều thăng trầm nhà Thờ Đức Bà vào đầu thế kỷ thứ 19 là một di tích đáng thương qua những tàn phá của thời gian và chiến tranh. Nhưng như có một phép lạ, vào năm 1831 văn hào Victor Hugo viết cuốn sách chuyện Chàng Gù Nhà thờ Đức Bà, và chính ông đã là động lực gây sự kêu gọi chính quyền tu bổ di tích lịch sử quan trọng này của thành phố Paris. Cuốn sách được tán thưởng nhiệt liệt và chỉ trong một thời gian ngắn sau đó kiến trúc sư Viollet-Le-duc đã được đô thành mướn để trùng tu nhà thờ.

Tóm lược lịch sử Nhà thờ Notre Dame de Paris.
Nhà thờ Đức Bà Paris, một nhà thờ Thiên Chúa giáo  nằm ở phía tây của đảo Ile de la Cité  giữa dòng sông Seine, trong quận 4 của thành phố Paris, Pháp, mang biểu trưng cho kiến trúc Gothic, được xây dựng bắt đầu từ năm 1163 do ông Maurice de Sully, Giám mục của thành phố Paris khởi xướng vào năm 1160 dưới thời trị vì của vua Louis XII.
Giám mục Maurice de Sully đã thấy được công trình hoàn tất những phần chính như chính điện, hành lang chính điện, hai cánh cuối, hai gian bên và một phần mặt ngoài cửa chính hướng Tây. Năm 1196, Giám mục Eudes de Sully tiếp tục cho hoàn tất mặt ngoài, hai gian đầu của nhà thờ, hành lang thượng, hai tháp mặt tiền phía Tây. Việc xây dựng kéo dài từ năm 1163 đến sau năm 1300 mới được coi như hoàn tất.
Nhà thờ Đức Bà mới với kiểu kiến trúc Gothic đã xây trên khoảng đất san bằng của nhà thờ Cơ Đốc Sainte Etienne (St Stephens) trước đó. Nhà thờ Cơ Đốc St Stephens này lại là thoát hình từ nguyên thủy của một cái đền theo kiểu Pháp cổ-Lamã (gallo-romain), rồi một đền Công giáo rồi biến hình thành Nhà thờ cấu trúc kiểu Latin Sainte Etienne. Sau cùng, nhà thờ mới có tên là Nhà Thờ Đức Bà từ sự hoàn toàn cống hiến cho Đức Mẹ.
Nhà thờ có chiều dài 130 m, chiều ngang 48 m, có thể chứa đuợc từ 6500 đến 8000 người. Được xem như một thời cực thịnh của Cơ Đốc giáo, dân chúng thành phố Paris thời đó dốc lòng ủng hộ tài chính và nhân lực.

Kiến trúc Gothic
 Kiến trúc Gothic là một hình thể kiến trúc rất thịnh vào giữa và cuối thời kỳ Trung cổ. Nó là chuyển tiếp giữa kiến trúc La mã và kiến trúc thời Phục hưng
Đặc điểm tiêu biểu của kiến trúc Gothic là có khung vòm nhọn (pointed arch), có sườn chống đỡ khung vòm trần nhà (ribbed vault)và có cuốn bay -cột trụ vòng cung áp tuờng chịu đựng ở phía ngoài (flying buttress). Kiểu kiến trúc này nhấn mạnh vào những hình khối cao theo chiều thẳng đứng, những cột thanh, và có trần cao. Nhờ kiến trúc mái vòng cung đầu nhọn, cộng với hệ thống cửa sổ bằng kính lớn nên những ngôi nhà thờ theo kiến trúc này có nhiều ánh sáng.
Những đặc điểm chính của kiến trúc Gothic như sau:
- Thường có chiều cao từ 38-42 mét, riêng tòa tháp có thể cao đến 60m, cửa sổ kính mầu ở mặt cửa vào chính phía tây có thể lớn tới 8-12 mét.
- Công trình kiến trúc với nhiều cửa sổ rộng, đón ánh sáng vào bên trong nhà thờ.
- Có thể có cửa sổ kính tròn rất lớn làm bằng kính ở mặt Tây, và hai bên cánh Nam và Bắc.
- Mặt Tây có cửa vào được trang trí lộng lẫy nhất; ở phần Hậu cung phía Đông thường có những gian thờ nửa đường tròn.
- Chiều cao của nhà thờ kiểu Gothic là do chiều cao thật cộng chiều cao do ảo giác, ảo giác này là do những cột cuốn, gờ sống và vòm trần gây nên.
Mặt đứng phía Tây (mặt chính) của kiến trúc nhà thờ Gothic tuân theo những quý chế như từ dưới lên trên được chia làm ba tầng: tầng dưới cùng là cửa, thường có ba hốc cửa rất sâu và cao. Tầng giữa ở chính giữa có cửa sổ tròn to bằng kính tô điểm màu sắc; tầng ba trên cùng có hai vòm cuốn lớn, hành lang và hai tòa tháp chuông. Mặt sau là một ngọn tháp cao 90m.
Hệ thống kiến trúc nhà thờ Gothic là một hệ thống không gian lớn, dùng khung chịu lực bên trong và bên ngoài, tách biệt rõ rệt giữa cấu trúc chịu lực và cấu trúc ngăn cách; với những phần chính từ trần mái đổ xuống gồm vòm mái hình múi có gờ, cuộn nhọn có múi đỡ, và cuốn bay chịu đựng phía ngoài.
Nhà thờ Đức Bà là một trong những công trình đầu tiên xây cất với cuốn bay hay gọi là những cột trụ vòng cung áp tường chịu đựng phía ngoài (flying buttress). Cuốn bay là một thành phần quan trọng của hệ thống cấu trúc nhà thờ Gothic, chia xẻ với cột tải trọng lượng của vòm trần, làm giảm tiết diện của cột đỡ khiến cho tòa nhà có nhiều chỗ để dựng cửa sổ lớn. Cấu trúc cuốn bay bao gồm những cái đà nghiêng trong không trung và những bệ cột đứng. Cuốn bay, trải rộng đến 15 m, cũng giống như những cột trụ phụ lực, được xây dựng dùng để đỡ những lực đạp ở mặt bên. Cuốn bay cũng góp phần liên kết giữa nhịp lớn ở giữa và nhịp biên, mang lại kiến trúc rất đẹp và lạ khi nhìn toàn diện nhà thờ ở phía sau.
   
Hệ thống kết cấu nhà thờ kiểu Gothic  tiết kiệm được nhiều vật liệu cho nhà vòm, chiều dày của vòm mỏng hơn, chỉ còn khoảng 25-30cm, vòm mái hình múi có sống còn hết hợp được nhiều loại mặt bằng khác nhau. 



Một chút chi tiết về nhà thờ Đức Bà Paris. 
 Kích thước nhà thờ Notre Dame.
Chiều dài: 130 m/427 ft long
Transept dài: 2.25 m/14 ft
Chiều rộng: 48 m/158 ft wide
Nóc mái cao: 43 m
Trần nhà vòm: 35 m/115 ft
Chiều cao tháp nhọn đằng sau: 96 m
Chiều cao tháp đôi: 69 m/226ft
Cửa khung nhọn cao trên 16 m/50ft high
Chuông tháp phía Nam: 13 tons, lưỡi chuông nặng 500kg
Tất cả nhà thờ rộng khoảng: 4,800 m²
Đường kính hai cửa kính tròn hai phía nam và bắc là 13.1 m/42½ ft
Đường kính cửa hồng tròn chánh tây là: 9.70 m.
Ước lượng số gỗ cây sồi để làm nhà thờ là 1,300 cây, cỡ 21 hecta rừng.
Nhà thờ có kiến trúc cửa mặt chính hướng Tây, mặt hậu hướng Đông. Phía mặt tiền nhà thờ (hướng Tây) có một cấu trúc thăng bằng . Ba cửa lớn không bằng nhau, cửa giữa cao nhất và rộng hơn hai cửa kia. Cửa bên trái có khung. Sáu cánh cửa lớn được trang trí bằng những cốt sắt uốn nắn  và những hình tượng các thánh điêu khắc trên cạnh những vòm cong. Phía trên ba khung cửa lớn ở ngoài mặt tiền nhà thờ, có một hàng 28 bức tượng đặt trong hốc hiện thân của những vua Judah và Do Thái. Năm 1793 nhóm cách mạng lâm thời lật đổ vương quyền, họ tưởng những tượng đá trên là biểu tượng của vua chúa Pháp, nên mang chặt đầu trước sân nhà thờ và đập phá một số tượng khác. Những phá hủy này đã được kiến trúc sư đảm trách trùng tu Nhà thờ tên Eugène Emmanuel Viollet-le-Duc sửa chữa và tu bổ lại như thấy hiện nay.
Cửa vòm phía bên trái của mặt tiền chính Tây (cửa góc tây bắc) là cửa của Đức Mẹ Đồng Trinh, mô tả cảnh Hoàng đạo (Zodiac) và cảnh đăng quang của Đức mẹ. Phần cửa giữa có Cảnh Phán Xét Cuối Cùng (Last Judgment) chia làm ba tầng, tầng thấp nhất miêu tả thói xấu và tính tốt, tầng giữa có cảnh chúa Jesus cùng các Tông đồ, tầng trên cùng là cảnh khải hoàn của Chúa sau khi Phục Sinh. Phần cửa bên phải là cửa Thánh Anne, diễn tả cảnh Đức mẹ và Chúa Hài đồng lên ngôi Vương. Bên góc trái phía sau cửa tây bắc là một cầu thang có 402 bậc dẫn lên tháp chuông, nơi mà văn hào Victor Hugo đã viết nên câu chuyện Chàng Gù Nhà Thờ Đức Bà. Tháp phía tây nam (bên phải) là nơi để một cái chuông lớn tên Emmanuel cân nặng 13,000kg và một cây để rung chuông nặng 500kg.


..còn tiếp



No comments: