Tuesday, January 7, 2014

Sơ Lược Lịch Sử Vọng Cổ và Nghệ sĩ Cải Lương/Vọng Cổ_Sóng Việt Đàm Giang


Sơ Lược Lịch sử Vọng cổ và Nghệ sĩ Vọng cổ
Sóng Việt Đàm Giang sưu tầm và biên soạn



A- Cội nguồn Cải Lương
Vọng cổ bắt nguồn từ năm 1910 khi nghệ sĩ Nguyễn Tống Triều và một nhóm nghệ sĩ đứng lên lập một ban hát nhỏ tại Mỹ Tho gồm Tư Triều (NTT) đờn kìm, Chín Quán đờn huyền, Mười Lý thổi tiêu, Bảy Vô đờn cò, cô Hai Nhiều đờn tranh, và cô Ba Đắc ca.
Đến năm 1912 thì tiếng tăm lan tới Saigon, và bắt đầu thịnh hành.

Trước đó Việt Nam chỉ có hát chèo hay hát tuồng ở Bắc phần và hát bội ở Nam phần.
Khi cải lương ra đời, cải lương có nghĩa là " Sửa đổi cho tốt hơn" , (nam 1917) thì chuyện hát mỗi ngày được thay đổi và tân tiến hơn. Trình diễn cải lương phát triển rất nhanh và lên cao từ 1931, và dần tiến ra Bắc. Đề tài ban đầu thường dựa vào những tác phẩm hay lịch sử như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Trưng Trắc Trưng nhị, hoặc phỏng theo các tuồng hát bội như Phụng Nghi Đình, xử án Bàng Quý Phi v.v...
Nhóm của ông Năm Châu được coi là Tổ cải lương hiện đại (1930)...
Nói sơ qua về âm nhạc, trong cải lương thường dùng đờn dây tơ và dây kim, không dùng kèn trống như hát bội. Có sáu nhạc khí chính là: đờn Kìm, đờn Tranh, đờn Cò, đờn Sến, Guitare, Violon, và hai cây, cây ống Sáo và cây Cuỗn (giống như cây kèn).

B- Lịch sử hai chữ VỌNG CỔ
Bài " Dạ cổ hoài lang" về sau được đổi là " Vọng cổ hoài lang" do nghệ sĩ Cao Văn Lầu sáng tạo đã chính thức biến chữ cải lương thành vọng cổ.
" Dạ Cổ Hoài Lang" ra đời được hơn nửa thế kỷ. Nó là nền móng cho nhiều thể khác nhau của vọng cổ.
Bản Vọng-Cổ lúc đầu có tên là Dạ Cổ Hoài Lang do nghệ sĩ Cao văn Lầu sáng tạo ra hồi năm 1920 (ba năm sau khi cải lương ra đời).
Ông Cao Văn Lầu lấy vợ mười năm không có con, cha mẹ bắt phải lấy vợ khác. Trong lúc buồn rầu ông tạo ra bản nhạc 20 câu (dòng) gọi là " Dạ cổ hoài lang" (đêm khua nghe tiếng trống nhớ chồng). Sau đó ít lâu vợ ông thụ thai. Bản nhạc sau được đổi thành " Vọng cổ hoài lang" có nghĩa rộng hơn là trông mối tình xưa mà nhớ đến chồng.

Sau đây là nguyên thủy bài " Dạ cổ hoài lang" :

Ký âm theo cổ nhạc bản " Dạ Cổ Hoài Lang"
(đờn dây Bắc)

1. Hò lìu xang xê cống
2. Líu cống líu cống xê xang
3. Xừ xang xê hò líu cống xê xang hò
4. Liu xế xang xự xề xang lìu hò
5. Xừ liu xáng ũ liu cống xề
6. Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu
7. Hò lìu xang xang xế cống
8. XÊ xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
9. Xừ xang xế, líu xê xang xư’
10. XÊ líu xừ, líu lĩu xừ xang
11. Xừ, xê líu xừ, líu cống xê, líu hò
12. Liu xề xang xự cống xê xang lìu hò
13. Xừ xang xừ cống xế
14. XÊ líu xừ, líu lĩu xừ xang
15. Xừ xang xề hò líu cống xế xang hò
16. Lưu xáng xàng, xề liu xề xáng ú liu
17. Hò xự cống xê xang hò
18. XÊ líu xừ, líu lĩu xừ xang
19. Xừ xang xế, hò líu cống xê xang hò
20. Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu

Lời bản Vọng Cổ đầu tiên của Việt Nam trong điệu Dạ Cổ Hoài Lang ca theo nhịp đôi:

1. Từ là từ phu tướng
2. Bửu kiếm sắc phong lên đàng
3. Vào ra luống trông tin chàng
4. Đêm năm canh mơ màng
5. Em luống trông tin nhàn (*)
6. Ôi, gan vàng quặn đau
7. Đường dầu xa ong bướm
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
9. Còn đêm luống trông tin bạn
10. Ngày mòn mỏi như đá vọng phu
11. Vọng phu vọng, luống trông tin chàng
12. Lòng xin chớ phụ phàng
13. Chàng hỡi, chàng có hay
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
15. Biết bao thuở đó đây xum vầy
16. Duyên sắt cầm đừng lạt phai
17. Thiếp cũng nguyện cho chàng.
18. Nguyện cho chàng hai chữ bình an
19. Mau trở lại gia đàng
20. Cho én nhạn hiệp đôi

(*) có bản chép là " Em luống trông tin chàng"

Theo thời gian , bản Vọng Cổ " Từ là từ phu tướng" ca giọng Bắc, nhịp đôi.

Bản nhạc thông dụng đến năm 1926 thì chuyển thành nhiều nhịp; nhịp đôi ca giọng Bắc giống điệu Hành Vân, sau tăng lên nhịp bốn, soạn giả viết nhiều lời hơn, ca sĩ kéo dài giọng ngân, và từ giọng Bắc biến thành giọng Nam pha lẫn hơi Oán.

Đầu thập niên 1940, Vọng cổ tăng lên nhịp tám. Từ nhịp tám , năm năm sau tăng lên nhịp 16. Thời này, soạn giả lồng vào bản Vọng Cổ những điệu hò, ngâm thơ Vân Tiên v.v... Mãi đến năm 1959 bản Vọng cổ mới tăng lên nhịp 32. Bản vọng cổ 32 nhịp do soạn giả Kiên Giang viết 6 câu (Hà Huy Hà tác giả bài thơ Hoa tím thôi cài trên Áo trắng) với nhan đề : " Đội Gạo Đường Xa" , Hữu Phước đơn ca trên hãng đĩa Lam Sơn.

Năm 1960 Vọng cổ tăng lên 64 nhịp, tuy nhiên khi đờn nhạc sĩ bấm phím thành 128 nhịp. Thời này, soạn giả " gối đầu bản Vọng cổ " bằng Nói Lối, Ngâm Tứ Tuyệt, thơ Lục Bát, Tân Nhạc, Ngâm Tao Đàn, Ngâm Sa Mạc, Sương Chiều, Khóc Hoàng Thiên, Đảo Ngũ Cung v.v...Bản Vọng Cổ 64 nhịp của soạn giả Viễn Châu viết lần đầu tiên tựa đề " Ba Râu Đi Chợ Lớn" có tính cách trào phúng do nghệ sĩ Văn Hường thu trên hãng đĩa Hồng Hoa.  

C- Những gánh hát Cải Lương.

Từ gánh hát nhỏ đầu tiên của Tư Triều (1910), sử liệu sau đó ghi chép theo thứ tự là gánh Thấy Năm Tú, Đồng Bào Nam, Tái Đồng Ban, Văn Hí ban, Sĩ Đồng Ban, Kỳ Lân Ban, Tân Phước Ban, Bác Sĩ Minh.

Sau đó là đoàn hát đợt hai: Tân Thinh, Tập Ích,Trần Đắc, Tân Hí, Vì Hí, Nhã Tính, Phước Cương, Huỳnh Kỳ, Nhạn Trắng, Mộng Vân, Sao Mai, Hề Lập, Nam Phỉ, Nam Phương, Phụng Hảo, Việt Kịch Năm Châu, Kim Thoa, Hậu Tấn.

Đợt ba cho đến năm 1975: Đoàn Nguyệt Kiều của bầu Quỳ; đoàn Hoa Sen ông Bảy Cao; đoàn Thủ Đô ông Ba Bản; đoàn Dạ Lý Hương ông bầu Xuân; Hương Mùa Thu soạn giả Thu An, Ngọc Hương; trăng Mùa Thu ông Tư Hiếu; đoàn Thái Dương bà Tiêu Thị Mai (vợ ông Tôn Ngọc Chắc, chủ rạp Quốc Thanh); đoàn Thanh Minh Thanh Nga bà bầu Thơ; đoàn Út Bạch Lan-Thành Được, đoàn Kim Chưởng cô Bảy Kim Chưởng; công ty Kim Chung (5) của ông Trần Viết Long; đoàn Thống Nhất bầu Út Trà Ôn; đoàn Thế Hệ Dũng Thanh Lâm của DTL; đoàn Hùng Cường-Bạch Tuyết; đoàn Việt Hùng-Minh Chí.

D-Những Soạn Giả bộ môn Cải Lương/Vọng Cổ
Soạn giả Vọng cổ, những người có nhiều công lao nhất cho bộ môn Vọng cổ lại là những người được biết đến ít nhất, họ mang tim óc nhân lực tạo dựng những tuồng Vọng Cổ, những bài ca Vọng Cổ sâu sắc, thấm thía, mang đến khán thính giả những giây phút giải trí đáng ghi nhớ cho một vở tuồng hay.

Một số soạn giả soạn đặc biệt một vai trò, một vở tuồng cho một nghệ sĩ sân khấu, và cũng nhờ những vai trò đặc biệt này mà một nghệ sĩ được có tên tuổi gắn liền và nổi tiếng từ vai tuồng đo. Một vài thí dụ điển hình như:

Đôi Soạn Giả Hà Triều-Hoa Phượng đã tạo tuồng " Khi Hoa Anh Đào Nở" với vai Điền Sơn viết riêng cho Thành Được. Cũng nhờ vai trò hợp sở năng này và tài bẩm sinh nên nghệ sĩ Thành Được đã nổi tiếng hơn nhiều sau đó.

Soạn giả Thu An đã soạn " Hai Chiều Ly Biệt" làm Trường Xuân sáng chói trong vai Thành Cát Tư Hãn.

Soạn giả Viễn Châu đã mang một Thanh Nga lên vương miện " tài sắc vẹn toàn" qua vai Sơn Nữ Phà Ca trong tuồng " Người Vợ Không Bao giờ Cưới" .

Hữu Phước có tiếng trong vai để đời Cậu Tư Kiên từ tuồng " Con gái chị Hằng" , Út Trà Ôn vai ông Cò Quận chín 9, vở " Tuyệt Tình Ca" cũng soạn bởi hai soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng.

Một số Soạn giả cận đại có tiếng trong danh sách như sau:

Hà Triều, Hoa Phượng, Viễn Châu, Mộc Linh, Ngọc Điệp, Quy Sắc, Thiếu Linh, Hoàng Khâm, Thể Hà Vân, Kiên Giang Hà Huy Hà, Loan Thảo, Yên Ba, Hoàng Thị Nguyệt, Yến Linh, Năm Châu, Lê Khanh, Duy Lân, Trọng Nguyên, Thái Thụy Phong, Kinh Luân, Nguyễn Huỳnh, Phong Anh, Trần Hà, Yên Lang.

Nói riêng về Soạn giả Viễn Châu, một số bài của ông như Xuân Đất Khách, Gánh Nước Đêm Trăng, Ông Lão chèo đò, Tình Anh Bán Chiếu, Tâm Sự Mộng Cầm, Cô Hàng Cà Phê, Lá Trầu Xanh v.v... rất được ưa chuộng. Đặc biệt bài Sầu Vương Ý Nhạc tân cổ giao duyên, SG Viễn Châu làm để tặng ông bầu Hoàng Văn Quýnh, biệt danh bầu Quýnh chủ gánh đoàn Sao Ngàn Nơi. Cuộc đời bất hạnh trong giai đoạn cuối của bầu Quýnh đã biến ông thành một ông lão mù lòa đờn dạo ở cầu Bến Lức để mưu sinh.

Một số tuồng Vọng Cổ hay trên sân khấu Việt Nam trong vài chục năm trước 1975: Tấm Lòng Của Biển, Tuyệt Tình Ca, Khi Hoa Anh Đào Nở, Người Vợ Không Bao giờ Cưới, Quân Vương và Loạn Tướng, Người Đẹp Bạch Hoa Thôn, Tiếng Trống Mê Linh, Hai Chiều Ly Biệt, Thuyền Ra Cửa Biển, Lỡ Bước Sang Ngang, Trần Minh Khố Chuối, Chuyện Tình An Lộc Sơn, Con Gái chị Hằng, Tiếng Khóc Giữa Rừng Khua, Chiều Về Trên Sông Lạnh, Tiếng Hạc Trong Trăng, Sân Khấu Về Khua, Chiều Mưa Biên Giới và còn nhiều nữa.

Ghi chú. Tài liệu trích dẫn từ cuốn " Hậu Trường Sân Khấu Cải Lương" của ông Trần Trung Quân (nhà sách và xuất bản Nam Á/1993).

E- Nghệ Sĩ Cải Lương
* Nói đến cải lương không thể nào không nhắc đến nghệ sĩ lão thành trong ngành nghệ thuật này, đó là nghệ sĩ Út Trà Ôn, ông Út Trà Ôn qua đời hồi tháng tám năm 2001, thọ 83 tuổi

Út Trà Ôn thật là Nguyễn Thành Út, sinh năm 1917 tại làng Đông Hậu, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, ông là con trai út thứ mười. Từ đó tên Út Trà Ôn ra đời.

Những bài ca vọng cổ nổi tiếng gắn liền với tên Út Trà Ôn gồm những bài như Sầu Vương Biên Ải, Tình Anh Bán Chiếu, Gánh Nước Đêm Trăng, Thức Trót Đêm Đông, Sầu Bạn Chung Tình và Tôn Tẫn Giả Điên.

* Tại hải ngoại, Nghệ Sĩ Việt Hùng cũng đã từ trần .

Xin nói thêm một chút về NS Việt Hùng, gánh hát Việt Hùng-Minh Chí thời thập niên 60.

Xin nhắc lại một chút về vài nhân vật trong lịch sử Vọng Cổ/Cải Lương, VC/CL xuất phát khoảng 1910 tiên phong bởi dàn nhạc của Tư Triều (Nguyễn Tống Triều) ở Mỹ Tho. Ở Mỹ Tho, hồi đó cỡ năm 1913-1914 cũng có ông Bảy Triều (Trần văn Chiều) tài nhạc giỏi hơn Tư Triều.

Năm 1918, Tây mừng thắng trận nên toàn quyền Albert Sarraut đã cho phép dân Việt được hát hò dễ dàng hơn và từ đó dần cải lương biến dần thành vọng cổ nhờ một số nghệ sĩ lập gánh hát trau giồi nghề đờn ca và đưa tài tử lên sân khấu.
Một số gánh hát được thành lập và đi lưu diễn rất nhiều vùng, nhiều tỉnh khác nhau.
NS Việt Hùng (VH) cặp bầu với NS Minh Chí thành lập gánh hát Việt Hùng-Minh Chí một thời gian nhưng không thành công nên sau đó đi hát trở lại. Thuở còn trẻ, VH thương hát bài ca " Bà Ba bán hàng có mấy người con" , và tên của VH đi đôi với NN một thời gian, VH nổi tiếng với vai cậu ấm Thân trong tuồng Đoạn Tuyệt.

Cải lương/Vọng cổ là một ngành văn hóa miền Nam khó có thể mai một được và dù có toàn cầu hóa nó cũng không thể nào bị biến mất được.

NS VH đã qua đời trên đất nước tự do Mỹ quốc đã cho chúng ta một cơ hội nhắc đến ngành nghệ thuật Vọng Cổ tại hải ngoại mà nhiều người tưởng rằng nó đã bị loại bỏ dần dần.

Nếu có thì giờ tìm trên mạng lưới điện tử chứng ta sẽ ngạc nhiên khi biết được nó hiện hữu khắp nơi và mỗi ngày một nhiều hơn.

* Một nghệ sĩ Cải Lương khác không thể không nhắc đến ở đây là Nghệ Sĩ Thành Được (TĐ). Tôi nghe tiếng người nghệ sĩ này đã mấy chục năm, nhưng mới thật sự gặp và quen TĐ sau khi TĐ đến lập nghiệp tại vùng Bắc California.

Thành Được là thần tượng của hàng triệu người trong cùng thời với anh, và dù thời gian đã nghiệt ngã lấy mất những dáng dấp trẻ trung, TĐ vẫn còn phong cách, dáng dấp của một người nghệ sĩ một thời " đẹp trai, hào hoa, giọng hát truyền cảm" . Thành Được rất được bạn bè quý mến vì tính tình phóng khoáng hết lòng với bạn bè. Một trong nhiều những đam mê của TĐ, phải kể đến mê xe hơi. Qua lời của TĐ và những bạn bè của anh, TĐ đã làm chủ hơn 134 đời xe du lịch, có khi một tháng anh đổi hai chiếc xe. Bộ sưu tập xe hơi của anh gồm đủ loại như: Traction, Renault, Peugeot, Ford, Cadillac, Continental, Pontiac, Mustang, Plymouth, Chevrolet, Chrysler, Mercedes, Volkswagen, Audi, Porsche, Fiat, Toyota, Madza, Mitshubishi, Honda... Một giai thoại hồi đó về TĐ trong thời gian còn hát cho gánh Thanh Minh Thanh Nga của bà bầu Thơ. Hồi đó (thời 1964), TĐ mê đá banh quá nên quên dượt tuồng, làm cho bà bầu Thơ giận giữ, và trong một buổi trình diễn trước khán giả, bà bầu Thơ đã phải ra lệnh cho nhân viên ánh sáng tắt đèn và làm lại (để có người đứng trong cánh gà nhắc tuồng cho TĐ), và từ đó câu nói " tắt đèn làm lại" sau này được dùng rộng rãi trong quần chúng ám chỉ việc làm thiếu quang minh chánh đại của chính quyền thời 1965.

Còn rất nhiều mẩu chuyện kỳ thú về các nghệ sĩ, không thể nói hết trong một bài viết được.

* Nghệ Sĩ Bích Thuận
  Sinh quán: Làng Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.   Cựu giáo sư viện Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn (65- 75). Bà là chủ nhân, giám đốc đoàn Cải Lương Ca Kịch Bích Thuận từ 1955 - 1975.
  Về điện ảnh đã đóng 10 phim dài . Năm 1953 được khán thính giả và báo chí bầu là Nghệ Sĩ đẹp nhất và nhiều cảm tình nhất. Bà Bích Thuận định cư tại Pháp từ 1983.

Sóng Việt Đàm Giang

Ghi chú: 
 Tài liệu về nhạc lý vọng cổ viết theo cuốn " Hậu Trường Sân Khấu Cải Lương" của Trần Trung Quân nhà sách Nam Á, Paris 1993.
Phần lịch sử Vọng Cổ viết theo tài liệu " Hồi ký 50 năm mê hát " của Vương Hồng Sển (nhà XB Phạm Quang Khai/1968).

No comments: