Franz
Kafka
Sóng Việt
Đàm Giang
"Y Sĩ Làng Quê" ("A Country Doctor" hay tiếng
Đức "Ein Landarzt") là một chuyện trong tập những chuyện
ngắn mà Frank Kafka viết vào năm 1919. Cũng giống như hầu hết những chuyện khác
của Kafka, cốt chuyện thường diễn tả dưới hình thức siêu thực, mơ hồ, dẫn dắt
người đọc vào một mê hồn trận khó tìm được lối thoát.
Đây là câu chuyện của một người Y sĩ làng, ăn
lương tháng của chính quyền và ông đã lái một cỗ xe với hai con ngựa lạ kỳ đến
làng bên cạnh cách mười dặm đường để cứu một bệnh nhân qua chuông báo động khẩn
cấp. Một loạt những siêu thực xẩy ra với sự xuất hiện của gã giữ ngựa và đôi
ngựa không biết từ đâu đến, và quyết định mặc cả một chiều do gã giữ ngựa đặt
ra. Diễn tiến và biến chuyển về gã giữ ngựa, gia đình bệnh nhân, tình trạng
bệnh nhân, đôi ngựa bất kham do chính người Y Sĩ độc thoại, bào chữa, biện minh
và đưa đến một kết luận chua chát, cay đắng bực bội: bị đặt vào một thế mà
không thể làm gì khác được.
Y sĩ Làng Quê
Sóng Việt Đàm Giang chuyển dịch
Bản dịch dưới đây do người viết (Sóng Việt Đàm Giang) chuyển
dịch từ sách Anh ngữ The Metamorphosis, In the Penal Colony, and Other Stories
của Joachim Neugrogel, NXB Simon & Schuster, 2000.
Tôi ở trong tình trạng rối bời lớn: một chuyến đi cấp bách đang
bày ra trước tôi; một con bệnh đau hiểm nghèo đang chờ tôi ở một cái làng cách
đây mười dặm đường; một cơn bão tuyết nặng làm ngập đầy khoảng cách giữa tôi và
con bệnh; tôi có một cái xe ngựa nhẹ có bánh lớn đấy chứ, đúng là cái loại để
đi lại ở những con đường quê của chúng tôi. Người tôi to phù lên vì áo lông,
với bị đồ nghề cầm trong tay, tôi đứng ở sân sẵn sàng đi; nhưng không có ngựa,
ngựa. Chú ngựa của tôi đã chết đêm hôm trước vì kiệt sức trong mùa đông băng
giá này. Cô người làm của tôi bây giờ đang đôn đáo quanh làng, cố tìm mượn cho
tôi một chú ngựa; nhưng thật là vô hy vọng, tôi đã biết; và tuyết càng phủ đầy
lên tôi, tôi càng thêm khó khăn cử động, tôi cứ đứng đó.
Con bé gái người làm xuất hiện ở cổng, một mình, vẫy cây đèn;
hiển nhiên: ai mà muốn cho người ta mượn một con ngựa vào giờ này để làm một
cuộc hành trình? Tôi lại đi vòng lại một lần nữa quanh sân vườn; tôi không nghĩ
được một giải pháp nào cả. Rối loạn, tinh thần dày xéo, tôi đá vào cái cửa ọp
ẹp của khu chuồng heo đã không dùng đến từ lâu lắm rồi. Cánh cửa mở tung, đập phật
qua phật lại quanh cái bản lề. Một luồng hơi nóng dường như có mùi ngựa đưa ra.
Bên trong, ánh đèn yếu ớt từ cái đèn chuồng súc vật đang đong đưa trên một sợi
dây. Một người đàn ông, co quắp người ở khu đất thấp, đưa khuôn mặt có đôi mắt
xanh mở to. "Tôi nên đóng ngựa không?" hắn hỏi, bò cả tứ chi ra phía
ngoài. Tôi không biết nói chi đây, nên cúi khom người xuống để thử xem còn có
chi nữa trong chuồng. Con bé người làm đứng ngay bên cạnh tôi. "Mình không
bao giờ biết được mình có cái gì ngay trong chính căn nhà của mình," cô ta
nói, và cả hai chúng tôi đều cười lớn.
"Ơ, nào Anh, nào Chị!" gã giữ ngựa cất tiếng gọi, và
hai con ngựa, hai con vật khổng lồ, hông chắc mạnh, lèn chân sát vào thân, cúi
thấp đầu tựa như con lạc đà xuống, từng con một nó lắc mông xục xịch trườn tới
chiếm trọn cái cửa để thoát ra ngoài với một sức mạnh từ thân chúng. Nhưng rồi
chúng đứng thẳng lên, chân cao, với toàn thân nồng nặc sặc sụa mùi.
"Lại giúp hắn," tôi bảo con bé người làm, và đứa tớ
gái sốt sắng chạy lại đưa yên cương cho tên giữ ngựa. Nhưng vừa đúng khi con bé
tới gần là gã giữ ngựa vòng tay ôm ngay lấy nó và dí mặt gã lên mặt nó. Con bé
hét lên và chạy lại gần tôi; dấu đỏ máu hai hàm răng của gã hiện rõ trên má nó.
"Đồ súc sanh," tôi giận dữ la lớn, "bộ ngươi muốn
ăn roi hay sao?" Nhưng rồi tôi nhớ ngay rằng hắn là một người lạ, rằng tôi
không biết gã từ đâu tới, và rằng hắn đang tự ý giúp tôi trong khi mọi người
đều từ chối. Như biết được ý tôi hắn không coi trọng lời hăm dọa của tôi, vẫn
bận rộn với yên ngựa, hắn chỉ quay lại về phía tôi có một lần.
"Lên xe đi," hắn rồi nói, và quả thật mọi chuyện đã
sẵn sàng. Tôi chưa hề, tôi ghi nhận, được cưỡi một cỗ xe với đôi ngựa đẹp như
thế, và tôi khoan khoái trèo lên.
"Nhưng tôi cầm cương đấy," tôi nói, "anh đâu có
biết đường."
"Lẽ dĩ nhiên rồi," hắn nói, "dù sao tôi đâu có đi
với ông, tôi ở lại với Rosa mà."
"Không," Rosa la lớn lên và chạy vào trong nhà, linh
cảm trước sẽ chẳng thoát được số phận. Tôi nghe tiếng dây xích leng keng khi nó
gài then cửa, tôi nghe khóa đóng cạch một cái: tôi cũng nhìn thấy nó chạy bổ
qua hành lang, và tắt hết đèn trong những căn phòng để tránh bị tìm ra.
"Anh đi cùng với tôi," tôi nói với người chăn ngựa,
"hay tôi sẽ không đi nữa, dù khẩn cấp đến mấy đi nữa. Tôi không thể mơ
chuyện đổi đứa con gái làm giá cho cuộc hành trình."
"Đi đi!" hắn nói, vỗ hai tay, cỗ xe vùng chạy như một
khúc gỗ trên một giòng nước lũ. Tôi nghe cánh cửa căn nhà tôi bể tung, vỡ từng
mảnh gỗ dưới đập phá của gã chăn ngựa: rồi mắt và tai tôi ngập những tiếng ầm
ầm mù mịt làm tôi mất hết cảm giác."
Nhưng dường như tất cả những sự kiện đó chỉ xẩy ra chớp nhoáng,
bởi vì như là cửa nhà của người bệnh đã mở ngay trước cổng nhà của tôi. Tôi đã
tới đó rồi. Ngựa đứng yên lặng, tuyết ngưng rơi; trăng rọi sáng trưng. Cha mẹ
người bệnh chạy ra khỏi nhà, cô chị người bệnh chạy theo sau; họ hành động như
là nhấc bổng tôi ra khỏi cỗ xe ngựa. Tôi chẳng lượm lặt được điều gì qua những
lời nói liên tu bất tận tán loạn của họ; không khí trong phòng người bệnh thật
không thể chịu nổi; khói bốc lên từ cái lò cũ kỹ. Tôi sẽ phải đẩy mở cửa ra;
nhưng trước tiên tôi muốn nhìn con bệnh đã. Gầy ốm, không sốt, không lạnh,
không ấm, mắt trống rỗng, ở trần, thằng bé tự nâng mình dậy từ chiếc chăn đắp,
dí đầu vào gần cổ tôi, thì thầm vào tai tôi, "Bác sĩ, hãy để tôi
chết." Tôi dò xét chung quanh; không có ai nghe hết. Bố mẹ nó đứng lặng
ngắt, hơi cúi về phía trước, chờ nghe tôi phán quyết; con chị gái mang một cái
ghế để đựng đồ nghề của tôi lên. Thằng bé vẫn tiếp tục mò mẫm nhắc nhở tôi từ
trên giường về mong muốn của nó: tôi cầm lên một vài cái kìm kẹp, quan sát duới
ánh đèn cầy, rồi lại đặt xuống.
"Được rồi," tôi nghĩ một cách xúc phạm đến thần thánh,
"trong những trường hợp như thế này mà có thần thánh giúp, gửi đến một con
ngựa vì thiếu, thêm một con thứ hai bởi sự khẩn cấp, trên hết lại ban cho một
thằng giữ ngựa nữa."
Chỉ đến lúc này tôi mới nhớ đến con Rosa. Tôi cần làm gì, làm
sao tôi có thể cứu nó, làm sao tôi có thể cứu nó ra khỏi tay cái thằng giữ
ngựa, cách xa tôi mười dặm đường, những con ngựa bất kham trước cỗ xe của tôi?
- những con ngựa này không biết làm sao mà lỏng được dây cương, đẩy toang cánh
cửa sổ, tôi không biết sao, ở phía ngoài, chúng đang thò đầu qua những cánh cửa
sổ, không hề sợ tiếng kêu thét của gia chủ, chúng há miệng lớn về bệnh nhân.
"Ta cần lái xe về nhà ngay," tôi nghĩ, như thể đôi
ngựa đang hỏi tôi lên đường; nhưng tôi lại để cho con bé chị cởi áo choàng lông
của tôi ra vì có lẽ nó nghĩ rằng tôi đang choáng váng vì nóng. Một ly rượu rum
soạn ra để cạnh cho tôi. Người đàn ông già vỗ lưng tôi - sự hy sinh tài sản của
ông ta biện minh cho hành động quen thuộc này. Tôi lắc đầu; tôi cảm thấy buồn
ói trong vòng nghĩ hẹp hòi của ông ta; đó là lý do duy nhất tại sao tôi không
uống. Bà mẹ đứng bên cạnh giường, khuyến khích tôi lại gần; tôi chấp thuận và,
trong khi con ngựa hí lớn đầu hướng lên trần nhà, tôi đặt đầu tôi lên ngực
thằng bé, và nó rùng mình dưới bộ râu ướt của tôi. Điều này xác nhận điều tôi
biết: thằng bé khỏe mạnh, hệ tuần hoàn hơi kém một chút--nó đã bị người mẹ lo
âu quá sức cho dùng nhiều cà phê quá, nhưng nó lành mạnh, và tốt nhất là đẩy nó
ra khỏi giường. Tôi không là kẻ làm việc tốt, và như thế tôi cứ để cho nó nằm
đó. Tôi chỉ là kẻ làm công cho quận, và tôi đã thực hiện trách nhiệm của tôi đủ
rồi, quá đủ nữa là khác. Mặc dù tiền trả rất kém, tôi rộng lượng và giúp đỡ
người nghèo. Tôi cũng vẫn còn phải lo cho con Rosa, rồi thằng bé có thể toại
nguyện với ước muốn của nó, và rồi tôi cũng sẽ muốn chết. Tôi làm gì ở đây
trong cái mùa đông bất tận này? Con ngựa của tôi chết, không ai trong làng cho
tôi mượn ngựa của họ, tôi phải kéo sức đến cửa chuồng heo; nếu chúng không là
những con ngựa, thì tôi đã phải đánh cỗ xe với heo rồi. Đó là chuyện làm sao
đấy. Và tôi gật gật đầu với người nhà thằng bé. Họ không biết chi hết, và ngay
cả dù họ biết họ cũng không tin đâu. Viết toa thuốc (đưa cho họ) thì dễ, nhưng
nói cho người ta hiểu là chuyện khó khăn. Vậy, thì tôi đã hoàn tất xong cuộc
thăm viếng bệnh nhân của tôi, một lần nữa, họ lại triệu tôi đến một cách vô
ích, tôi đã quen thuộc rồi, cái chuông ban đêm của tôi đã giúp toàn quận địa
phương lợi dụng để làm khổ tôi; nhưng phải hy sinh con Rosa lần này - con bé
hiền lành đã sống ở nhà tôi cả bao nhiêu năm mà tôi ít khi để ý đến nó - sự hy
sinh này quá lớn, và tôi đang phải tìm kiếm lý do thỏa đáng để tránh khỏi đấm
vào gia đình này, những kẻ, nói cho cùng, không thể đánh đổi đời họ với con bé
Rosa của tôi được.
Nhưng khi tôi đóng bị dụng cụ lại và ra hiệu lấy áo lông, và mọi
người trong gia đình đứng cùng nhau, nhìn người cha ngửi ly rượu rum đang cầm
trong tay, người mẹ có lẽ thất vọng vì tôi (mọi người muốn gì đây không biết?),
cắn môi, nước mắt chảy dài, và khi nhìn thấy con bé chị quơ cái khăn có dính
vết máu đỏ, tôi có cảm nhận trong tình trạng đó rằng thằng bé có thể đau bịnh
thật.
Tôi lại gần thằng bé, nó cười với tôi như thể tôi mang cho nó
chén súp mạnh nhất- và ồ cả hai con ngựa đều hí vang: tiếng động, có lẽ được
truyền đến từ một lực cao hơn nào đó, làm cho sự khám bệnh được sáng tỏ hơn. Và
bây giờ tôi khám phá ra: đúng, thằng nhỏ bị bệnh. Ở phía bên phải, gần hông nó,
một vết thương mở loét cỡ bàn tay. Màu hồng, với nhiều độ màu khác nhau, xậm ở
trong sâu, nhạt hơn ở phía ngoài mép, với nhưng cục máu đọng không đều, và mở
ngỏ như bề mặt một cái mỏ. Đó là nhìn từ xa. Quan sát gần kỹ hơn nữa thấy có biến
chứng. Ai nhìn thấy mà không khỏi huýt gió nhẹ? Nhưng con sâu mập và dài cỡ
ngón tay út của tôi, mầu hồng và đang quậy trong máu, trong vết thương, chúng
có thân trắng, nhiều chân, ngọ nguậy khi nhìn dưới ánh sáng. Tôi nghiệp thằng
bé, không thể giúp được nó nữa rồi. Tôi đã tìm ra vết thương lớn của em, rồi
thể nào em cũng bị cái hoa đang nở bên sườn đánh gục thôi. Cả gia đình mừng ra
mặt, họ thấy tôi làm được chuyện rồi (tìm ra bệnh rồi), con chị kể cho mẹ nó,
mẹ nói cho người cha, người cha nói với những người khách đang dón dén đến với
hai cánh tay dang rộng để giữ thăng bằng dưới ánh trăng sáng qua cánh cửa mở.
"Ông sẽ cứu tôi chứ?" thằng bé thì thầm, khóc tấm tức,
hầu như không hề biết có những sinh vật đang sống ở vết thương. Đó là cái mà
mọi người ở khu này đều giống nhau cả. Luôn luôn đòi hỏi cái không thể của một
y sĩ. Họ đã mất lòng tin cổ truyền; vị cố đạo ngồi nhà, cắt thành miếng nhỏ
từng lớp áo thánh. Nhưng người y sĩ thì được xem như có thể hoàn tất mọi chuyện
với đôi bàn tay mổ xẻ tinh xảo. Vậy đó, cái gì đây: Tôi có tự xả thân đâu; nếu
họ dùng tôi một cách lầm lẫn cho mục đích linh thiêng, thì tôi cũng phụ theo
vậy. Tôi còn đòi hỏi cái gì nữa đây? Tôi một gã y sĩ làng già nua, bị tước đoạt
mất đứa tớ gái! Thế rồi họ đến, người nhà thằng bé và những kẻ già nua trong
làng, và họ cởi bỏ quần áo tôi ra. Ở phía ngoài căn nhà, một ca đội học sinh
với một thầy giáo đứng đầu hướng dẫn hát đồng ca một bản nhạc rất đơn giản với
những lời:
Hãy cởi quần áo người y sĩ ra, rồi thằng bé sẽ khỏi
Và nếu nó không khỏi thì giết ông ta đi!
Ông ta chỉ là một y sĩ, chỉ là một y sĩ.
Thế là tôi bị lột trần và, với ngón tay đan vào bộ râu, đầu
nghiêng sang một bên, tôi điềm tĩnh nhìn mọi người. Tôi hoàn toàn chấn tĩnh và
làm sáng tỏ mọi chuyện và tiếp tục như thế, mặc dù cũng chẳng giúp được gì cho
chính tôi, bởi vì bây giờ họ nắm đầu tôi nắm chân tôi và mang tôi tới bên
giường con bệnh. Họ đặt tôi bên tường, bên phía có vết thương. Rồi tất cả mọi
người rời phòng; cửa đóng lại; tiếng hát tắt lặng; mây che khuất mặt trăng,
khăn trải giường ấm bao quanh tôi.
"Ông biết không," có tiếng ai đó nói vào tai tôi,
"Tôi không mấy tin tưởng vào ông. Tại sao ư, ông chỉ bị liệng tới đây, ông
đã không tự ý đến đây với đôi chân của ông. Thay vì giúp tôi, ông lại làm chật
giuờng tôi. Tôi chỉ muốn cào mắt ông ra thôi."
"Đúng thế," tôi nói, "thật là nhục nhã. Nhưng nói
cho cùng, tôi là một y sĩ. Tôi nên làm gì? Hãy tin tôi đi, thật không dễ cho
tôi chút nào cả."
"Tôi phải hài lòng với cái cớ đó hay sao? Ồ, phải rồi tôi
phải. Tôi bao giờ cũng phải hài lòng với chính tôi. Tôi đến với thế giới này
với một vết thương đáng yêu; đó là ưu đãi duy nhất của tôi."
"Này anh bạn trẻ," tôi nói, "vấn đề của anh là sự
hiểu biết của anh hạn chế quá. Tôi đã từng ở trong bao nhiêu phòng bệnh rồi,
nói xa và rộng, tôi cho anh biết: Vết thương của anh không có chi quá tệ đâu.
Tạo một góc sắc với hai nhát rìu phạt vào thân cây. Trong rừng nhiều người phơi
bên cạnh của họ ra, họ chẳng nghe được tiếng vang của rìu chém đổ cây, và lẽ dĩ
nhiên họ không nhận ra rằng cái rìu đã ở gần ngay bên họ."
"Thật thế sao hay là ông lừa tôi trong cơn nóng sốt của
tôi?"
"Đúng thật như thế- hãy nghe lời danh dự của người y sĩ
quận."
Và nó tin thật và trở nên yên lặng.
Nhưng bây giờ là lúc tôi nghĩ làm sao thoát thân. Ngựa vẫn còn đứng
trung thành ở chỗ cũ. Quần áo lông và bị đồ nghề được tôi túm lấy nhanh chóng;
tôi không muốn mất thì giờ mặc quần áo vào. Nếu hai con ngựa chạy mau như khi
chúng tới, thì tôi có thể nhẩy bổng như lò xo từ giường này đến giường tôi rồi.
Một con ngựa lùi xa cái cửa sổ như nghe lệnh; tôi liệng cái đống đang ôm trong
tay lên xe; cái áo lông của tôi đáp rơi quá xa, chỉ có một cánh tay áo là dính
vào cái móc. Cũng đủ chán. Tôi đu người lên con ngựa. Dây cương lỏng lẻo lết,
hai con ngựa như tách rời riêng biệt kéo cỗ xe theo sau, chiếc áo lông lết sau
cùng trên tuyết.
"Hãy đi nào," Tôi nói, nhưng sao sự di chuyển không
sống động tí nào. Chầm chậm, như một ông lão, cỗ xe bò trên vùng tuyết bao la.
Trong một thời gian dài, từ xa giọng ca không chính xác của trẻ em vẫn vọng lại:
Hãy vui lên, tất cả bệnh nhân ơi
Bác sĩ đã cùng lên giường rồi.
Tôi chẳng thể nào về đến nhà với cái tốc độ này; cái huy hoàng
nghề nghiệp của tôi trở nên tối tăm rồi; một kẻ thay thế đã ăn cắp chỗ tôi.
Nhưng hắn chẳng thể thay thế được tôi. Gã chăn ngựa ghê tởm đã làm tan hoang
nhà tôi; Rosa là nạn nhân của hắn; tôi nhất định không tin như vậy. Trần trụi,
với sự ban thưởng của giá băng ở trên những khoảng đáng thương nhất, với cổ xe
trần thế, với đôi ngựa hoang đường, tôi, một gã già nua, đi lang thang. Cái áo
lông choàng treo ở phía sau của cỗ xe, nhưng tôi không với tới được, và không
một ai trong số người bệnh già nua vô giá trị của tôi, sẽ nhấc một ngón tay
giúp tôi. Bị lừa rồi! Bị lừa rồi! Một khi đã đáp lại một báo động giả tạo của
cái chuông đêm thì không bao giờ có thể làm đúng được- không bao giờ.
April 27, 2012
Sóng Việt Đàm Giang
Câu chuyện Y Sĩ Làng Quê đã được họa sĩ Yoji Yamamura làm thành
một phim hoạt họa ngắn rất linh động. Phim đã được nhiều giải thưởng kể cả giải
Ofuji Noburo 2008 và Giải nhất 2007 tại Đại hội hoạt họa phim Quốc tế Ottawa.
Ba đoạn chuyện vẽ linh hoạt phim của Yamamura có thể xem tại
links:
http://www.youtube.com/watch?v=_XpvlrOcEcM
http://www.youtube.com/watch?v=12XfWsSiEjY&feature=relmfu
http://www.youtube.com/watch?v=XlapQIZbKxU&feature=relmfu
No comments:
Post a Comment