Tượng
Đài Kỷ Niệm Chiến Trận IWO JIMA
Của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ
tại
Arlington, VA.
Sóng
Việt Đàm Giang
Hình Internet
Lời mở đầu. Nhân dịp ngày 23 tháng 2, 2020 đến, người viết
có chút duyên chụp lại được tấm hình Iwo Jima với hai lá cờ của Nhiếp ảnh Bob
Campbell trong buổi triển lãm hình ảnh lịch sử tại Nhà Bảo tàng Nhiếp ảnh Nghệ
Thuật tại Houston vào cuối năm 2019 và rồi liên tưởng đến Tượng đài kỷ niệm Iwo
Jima tại Arlington, VA, người viết đã thu thập thêm tài liệu để viết bài ngắn
này.
Ngày 19 tháng 2 1945 Quân
đội Thủy Quân Lục chiến Hoa kỳ (US Marine) xâm chiếm đảo Iwo Jima, một đảo nhỏ dưới quyến kiểm soát của Nhật. Ngày 23 tháng
2, quân đội Thủy quân Lục chiến đã chiếm được đỉnh ngọn núi Suribachi và đã dựng
cờ Hoa kỳ tại đỉnh núi để xác định núi Suribachi đã thuộc kiểm soát của Hoa Kỳ.
Không lâu ngay sau khi cờ được dựng, thì một chỉ thị khác ra lệnh thay cờ đang
bay bằng một lá cờ khác lớn hơn để ở xa hơn có thể nhìn rõ.
Một chút chi tiết hơn.
Vào sáng ngày 19/2/1945, Sư đoàn 4 và 5 TQLC đã xâm chiếm Iwo Jima sau một cuộc oanh tạc có phần không hiệu quả kéo dài
72 giờ. Trung đoàn 28, Sư đoàn 5, được lệnh đánh chiếm núi Suribachi.
Họ đã đến chân núi vào chiều ngày 21 tháng 2 và đến tối ngày hôm sau, gần
như đã bao vây hoàn toàn ngọn núi. Vào sáng ngày 23 tháng 2, Thủy Quân Lục chiến thuộc Đại đội E, Tiểu đoàn 2, bắt đầu cuộc leo
núi quanh co để lên đỉnh. Vào khoảng gần
trưa thì người dân trên đảo đã thấy một lá cờ nhỏ của Mỹ bay phất phới trên đỉnh núi Suribachi. Và cùng ngày
không lâu sau đó là một lá cờ lớn hơn xuất hiện.
Tấm hình Cắm cờ Hoa Kỳ trên đỉnh núi Suribachi thuộc đảo Iwo
Jima của Nhật trong cuộc chiến đang tiếp diễn
Iwo Jima trong Đệ nhị thế chiến, chụp bởi nhiếp ảnh Joe Rosenthal vào
ngày 23 tháng 2 1945 là bức ảnh rất nổi tiếng trên thế giới.
Ngày 23
tháng 2, năm nay 2020 là ngày kỷ niệm 75 năm của tấm hình. Bài viết này nói về
diễn tiến sự kiện lịch sử của tấm hình và Đài tưởng niệm Iwo Jima của TQLC Hoa
kỳ.
Joe Rosenthal rất may mắn chụp được tấm ảnh
này, tấm hình duy nhất với sáu binh sĩ Thủy
Quân Lục chiến đang dựng cây cờ Hoa kỳ trên đảo Iwo Jima, một đảo mà
quân đội Nhật đang chiếm giữ. Ngoài Rosenthal ra còn có nhiều phóng viên nhiếp ảnh
chiến trường hay thuộc nhà báo hiện diện trên núi Suribashi, đảo Iwo Jima trong
ngày đó và họ cũng có chụp được những tấm ảnh khác.
Người chụp hình đầu
tiên thuộc Thủy Quân Lục Chiến, Sgt Louis Lowery của tờ báo Leatherneck đã có
mặt trên đỉnh Suribashi và đã chụp đuợc tấm hình tài liệu Lính TQLC đã hãnh
diện cắm và dựng vững được cờ Hoa Kỳ.
Sau khi chụp hình xong thì vì một tai nạn
Lowery bị ngã và máy chụp hình bị hư hại. Lowery đành phải đi xuống để thay
máy. Trên đường đi xuống thì Lowery gặp Rosenthal và hai TQLC Bob Campbell và
William Genaust. Joe Rosenthal, phóng viên nhiếp ảnh của AP (Associated
Press/New York) với nhiệm vụ tổng bao tường trình (cover) chiến trận Iwo Jima,
đã nghe tin lính TQLC đang có mặt ở trên núi nên Joe Rosenthal trèo lên để tìm
hiểu; Bob Campbell là một binh sĩ chuyên chụp hình; William Genaust là chuyên
viên thâu hình.
Khi lên tới đỉnh thì
cả ba thấy có một nhóm TQLC đang cầm một lá cờ thứ hai. Họ cho biết họ được
lệnh thay lá cờ đang có với lá cờ khác lớn hơn để mọi người có thể nhìn thấy được
từ xa hơn. Và đúng là rất may mắn, Rosenthal là người đã chụp được tấm hình duy
nhất chứa hình ảnh những người lính TQLC đang dựng lá cờ thứ hai này.
(Photo
SVĐG)
Tấm hình đính
kèm này do Bob Campbell chụp đúng lúc lá cờ thứ nhất được hạ xuống và lá cờ mới
lớn gần gấp hai lá cờ trước được dựng lên.
Nói về kỹ thuật chụp hình, máy hình
thời đó chụp rất chậm, mỗi khoảng khắc chỉ có thể chụp được một tấm hình duy
nhất. Có hai sự kiện quan trọng để hai nhiếp ảnh viên cân nhắc trong cùng một
thời điểm: một nhóm binh sĩ đang lấy đi cây cột cờ và lá cờ nhỏ, và cùng lúc
một nhóm binh sĩ khác sẵn sàng để cắm cờ thứ hai lên. Bob Campbell đã là người
duy nhất chụp được tấm hình có cả hai lá cờ. Và Jose Rosenthal là người đã chụp
được lá cờ thứ hai trong vị thế chỉ định cắm dựng.
Bức hình của Rosenthal rất đặc biệt,
cột cờ trong vị trí đường tréo, gió đang quật vào lá cờ tung bay; dạng tam giác
của nhóm binh sĩ đang cố sức dựng cờ lên. Ta thấy rõ từng cá nhân nhưng nhìn
hình tổng quát thì tất cả hợp nhất thành một. Hậu cảnh nhạt, mây gạn ánh sáng
toàn cảnh, tuy nhiên chi tiết trên quân phục và lá cờ vẫn rõ.
Về tấm hình lá cờ thứ nhất do Lowery
chụp. Tấm hình cho thấy cận ảnh một binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đứng cầm một
khẩu súng. Phía sau là một lá cờ Hoa Kỳ đang bay phất gió. Một tấm hình tài
liệu quý giá trong lịch sử. Nhưng tấm hình của Lowery chụp lá cờ Hoa Kỳ đầu
tiên đã không gây ấn tượng mạnh như tấm hình của Rosenthal chụp lá cờ thứ hai.
Điều này cũng không có chi khó hiểu vì tấm hình lá cờ thứ hai này đã bắt được
hình ảnh của một cuộc chiến tranh khốc liệt đang tiếp diễn và sẽ mang đến thắng
lợi cùng kết thúc chiến trận.
Tấm hình của Rosenthal
đã được xem như là biểu tượng không chính thức của Quân Đoàn Thủy Quân Lục
Chiến Hoa Kỳ và Đệ Nhị thế chiến ở Thái Bình Dương. Thủy Quân Lục
chiến sau đó đã vinh danh bằng cách chuyển bức ảnh thành một tượng đài tưởng niệm có kích thước lớn đặt tại Arlington, Virginia.
Ngoài ra, kiến trúc tòa nhà
Bảo tàng Quốc gia Thủy quân Lục
chiến, ở Tam giác (Triangle),
Virginia, cũng có hình dạng tam giác
lấy cảm hứng từ bức ảnh của Rosenthal.
Bảo tàng Quốc gia Thủy Quân Lục chiến là bảo tàng lịch sử của Thủy Quân Lục chiến Hoa Kỳ. Nằm ở Triangle, Virginia gần MCB Quantico, bảo tàng đã khai trương vào ngày 10 tháng 11 năm 2006.
Được thiết kế bởi Curtis W. Fentress, phía ngoài của bảo tàng mang
hình dạng đặc biệt có ý nghĩa "gợi lên
hình ảnh của những người dựng cờ trên Iwo Jima".
Thủy quân lục chiến
Hoa Kỳ (United States
Marine Corps) là một quân chủng của Quân đội Hoa Kỳ có trách nhiệm
cung cấp lực lượng tiến công từ phía biển, sử
dụng phương tiện vận chuyển của Hải quân Hoa kỳ để nhanh chóng đưa các lực
lượng đặc nhiệm vũ trang hỗn hợp. Nó là một trong số 8 lực kượng của Hoa Kỳ.
Theo cơ cấu lãnh đạo dân sự trong Quân đội Hoa Kỳ thì Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ
là một thành phần của Bộ Hải quân Hoa Kỳ thường hoạt động sát cánh bên các
lực lượng hải quân Hoa Kỳ cho các mục đích huấn luyện, vận chuyển và tiếp vận.
Tuy nhiên, theo cơ cấu lãnh đạo quân sự thì Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ là một
quân chủng riêng biệt.
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ giữ lấy vai trò trọng
yếu trong nền an ninh quốc gia với tư cách là một lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp gồm
không lực, bộ binh, viễn chính và đổ bộ từ biển với khả năng tiến công bằng vũ
lực từ trên không, trên bộ và biển.
Và dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ đã in hình ảnh tượng Iwo
Jima lên một con tem.
Con tem 3 cents Iwo Jima được phát hành ngày 11 tháng 7 năm 1945. Một bản sao của bức ảnh được sử dụng làm mẫu
cho thiết kế tem 3 xu này.
Trận chiến Iwo Jima không kết thúc ngày đó (ngày
23 tháng 2,1945) mà còn kéo dài thêm 32 ngày nữa: gây tổng cộng 6,821 binh sĩ
Hoa kỳ tử thương chiến trận và 26,038 thương vong.
Tên
và chức vụ của sáu Thủy
Quân Lục chiến có mặt trong tấm hình được giải Putlizer của nhiếp ảnh gia của
Associated Press Joe Rosenthal:
- Sgt Michael Strank, USMC
Nov. 10, 1919 - March 1, 1945
- Cpl Harlon H. Block, USMC
Nov. 6, 1924 - March 1, 1945
- PFC Rene A. Gagnon, USMC
March 7, 1925 - Oct. 12, 1979
- PFC Ira Hayes, USMC
Jan. 12, 1923 - Jan. 24, 1955
-
PFC Harold Schultz, USMC
Jan. 28, 1926 - May 16, 1995
- PFC Franklin R. Sousley, USMC
Sept. 19, 1925 - March 21, 1945.
Tiến
trình thực hiện bức tượng Iwo Jima
Nhà điêu khắc
Felix Weihs de Weldon (1907-2003),
thuộc Hải quân Hoa Kỳ, sau khi nhìn bức ảnh được phát hành, đã rất xúc động trước hình ảnh, ông có cảm hứng ngay và xây dựng một mô hình quy mô trong vòng 48 giờ, một mô hình trở thành biểu tượng cho cuộc chiến trận thứ bẩy và cuối cùng. Sau
chiến tranh, W.
de Weldon đã quyết định thực hiện mô hình trên một
bình diện rộng lớn hơn để có thể là một biểu tượng cho quốc
gia Hoa Kỳ.
Ông đã làm việc trong 9,5 năm để chuẩn bị một mô hình có kích thước toàn hảo từ việc đúc thạch cao tượng hình những người sống sót sau khi treo cờ
đã
làm mẫu cho nhà điêu khắc, để mô phỏng khuôn mặt của họ bằng đất sét.
Và
hình ảnh có sẵn và tài liệu về nhân dạng của ba người đã hy sinh
được thu thập để
tái tạo khuôn mặt của họ.
Sau khi bức tượng được hoàn thành bằng thạch cao, nó đã được tháo rời cẩn
thận và vận chuyển đến Brooklyn, N.Y., để đúc bằng đồng. Sau quá trình đúc ba
năm, các bộ phận bằng đồng đã được chở đến Washington, D.C., để lắp dựng tại
Nghĩa trang Quốc gia Arlington.
Mô hình nguyên
thủy bằng thạch cao đã được chuyển đến nhà và xưởng mùa hè của điêu khắc gia de Weldon, ở Newport, R.I., để lưu trữ.
Tháng 10 năm 1981, ông de Weldon đã tặng mô hình thạch cao nguyên
thủy này cho Học Viện Thủy quân (Marine Military Academy/MMA) tại Harlingen,
Texas, và đài tưởng niệm Iwo Jima địa phương được chính thức công nhận vào
tháng 4 năm 1982 trên địa phận thuộc MMA.
Vào ngày 10 tháng 11 năm 1954, kỷ niệm 179 năm của Thủy quân Lục chiến Hoa
Kỳ, Tổng thống Dwight D. Eisenhower chính thức khánh thánh đài tưởng niệm bằng đồng ở Washington để tưởng nhớ tất cả các binh sĩ TQLC đã
hy sinh trong các chiến trận và những quân nhân thuộc các binh chủng khác cùng
sát cánh chiến đấu với họ.
Sóng Việt Đàm
Giang
February/19/2020
Hình ảnh thu thập từ
nhiều nguồn trên internet trừ tấm hình ghi photo SVĐG chụp từ bức ảnh trưng
trong phòng triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật tại Houston, TX.
https://www.mma-tx.org/about-us/iwo-jima-monument/